PVcomBank vừa tung ra chương trình huy động vốn với lãi suất lên tới 11%/năm. Mức lãi suất này hiện đang cao nhất trên thị trường ngân hàng. Tuy nhiên, điều kiện để được hưởng mức lãi này, khách hàng phải gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng trong khoảng thời gian 12-13 tháng.
Một số ngân hàng khác cũng tăng lãi suất huy động. Cụ thể, HDBank đưa ra mức lãi suất 8,9%/năm áp dụng cho kỳ hạn gửi 13 tháng, với điều kiện duy trì số dư tối thiểu 300 tỷ đồng; DongABank đưa ra mức lãi suất 8%/năm dành cho khách hàng gửi 13 tháng với số tiền từ 200 tỷ đồng trở lên.
Nhìn chung, từ đầu tháng 9 đến nay, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động. Ngày 26/9, SCB giảm mạnh đối với lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Đây là lần đầu tiên trong tháng 9, SCB hạ lãi suất huy động. Theo biểu lãi suất huy động online, SCB giảm 0,6 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 6-8 tháng xuống còn 5,75%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 8-11 tháng giảm 0,5 điểm phần trăm xuống còn 5,85%/năm. Ngân hàng cũng đưa lãi suất các kỳ hạn 12-36 tháng đồng loạt về mức 6,05%/năm.
Ngân hàng Kiên Long (KienLong Bank) cũng giảm lãi suất các kỳ hạn từ 12-36 tháng. Lãi suất huy động online kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm xuống còn 5,5%/năm. Kỳ hạn 18-36 tháng cũng giảm tương tự xuống còn 6,4%/năm.
Theo thống kê, từ đầu tháng 9 đến nay đã có 32 ngân hàng giảm lãi suất. Trong đó, Viet A Bank, MB, ACB, SeABank, Eximbank, Nam A Bank, MSB, NCB, HDBank, SHB, ABBank, KienLong Bank và GPBank đã 2 lần giảm lãi suất kể từ đầu tháng. Riêng OCB và Techcombank lần lượt đã giảm lãi suất tới 3 và 4 lần kể từ đầu tháng 9.
HÀ AN