Nhiều kỳ vọng gửi gắm đến Đại hội Hội Nông dân tỉnh

Thứ Năm, 14/09/2023, 17:51 [GMT+7]
In bài này
.

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023-2028 là kim chỉ nam để cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh bước vào giai đoạn phát triển mới. Hướng về sự kiện này, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã ghi nhận một số ý kiến tâm huyết từ cơ sở gửi gắm đến Đại hội.

ÔNG NGUYỄN NGỌC LINH, CHỦ TỊCH HỘI NÔNG DÂN HUYỆN CHÂU ĐỨC:

Xây dựng, củng cố Hội ngày càng vững mạnh

5 năm qua, Hội Nông dân huyện Châu Đức luôn chủ động, linh hoạt đề ra các nhiệm vụ, giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế để thúc đẩy các phong trào thi đua phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Đặc biệt, các cấp Hội đã chủ động đổi mới hình thức tập hợp, phát triển hội viên; phối hợp với các cấp, ngành trong công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn; vận động hội viên tham gia các mô hình kinh tế tập thể và sản xuất theo chuỗi liên kết; khuyến khích phát triển nông nghiệp gắn với du lịch… 

Với tinh thần “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hợp tác - Phát triển”, tôi hy vọng nhiệm kỳ này, nội dung, phương thức hoạt động của Hội tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nhằm xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

ÔNG NGUYỄN VĂN NHIỆM, CHỦ TRANG TRẠI BÒ SỮA ÔNG NHIỆM, XÃ CHÂU PHA, TX.PHÚ MỸ:

Hỗ trợ vốn để phát triển, mở rộng sản xuất

Hiện hầu hết chuồng trại nuôi bò sữa của các nông hộ trên địa bàn xã Châu Pha đã xuống cấp, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sữa.

Trong nhiệm kỳ mới, tôi hy vọng các cấp Hội Nông dân tiếp tục quan tâm, hỗ trợ vốn vay, tập huấn kỹ thuật... để các hộ nuôi bò sữa có điều kiện đầu tư, mở rộng chuồng trại, nâng cao năng suất và chất lượng sữa. Bên cạnh đó, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chế biến từ sữa bò, xây dựng sản phẩm OCOP; góp phần nâng cao giá trị nông sản và nâng cao thu nhập cho nông hộ nuôi bò sữa trên địa bàn xã.

 

ÔNG NGUYỄN PHONG VŨ, CHỦ TỊCH HỘI NÔNG DÂN XÃ HÒA HIỆP (HUYỆN XUYÊN MỘC):

Hướng dẫn sản xuất cây ăn quả theo VietGAP

Hạn chế lớn nhất của việc phát triển cây ăn quả tại xã Hòa Hiệp hiện nay là quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Điều này gây khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất, kiểm soát chất lượng và tiêu thụ sản phẩm.

Do vậy, tôi kỳ vọng nhiệm kỳ này, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, huyện tiếp tục có thêm chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa người nông dân, DN xuất khẩu và các cơ quan nghiên cứu khoa học, tạo sự chặt chẽ, hiệu quả và bền vững.

Cùng với đó, hướng dẫn hội viên nông dân sản xuất cây ăn quả theo quy trình VietGAP; làm chỉ dẫn địa lý, làm mã cốt, mã vạch, chỉ dẫn thương hiệu… để nhãn xuồng cơm vàng của Hòa Hiệp nói riêng và huyện Xuyên Mộc nói chung đến được với thị trường trong và ngoài nước.

 

ÔNG HUỲNH TRỌNG CHINH, GIÁM ĐỐC HTX NÔNG NGHIỆP - DỊCH VỤ AN NHỨT (HUYỆN LONG ĐIỀN):

Có giải pháp bình ổn giá vật tư nông nghiệp

Những năm gần đây, giá các loại vật tư nông nghiệp như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), công lao động liên tục tăng đã đẩy chi phí sản xuất lên cao, khiến hiệu quả kinh tế đối với người trồng lúa bị giảm, nông dân càng khó hơn.

Do vậy, trong nhiệm kỳ 2023-2028, chúng tôi mong muốn Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp cùng các ngành chức năng của tỉnh, huyện quan tâm, hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống và phương thức sản xuất, trong đó tập trung vào các quy trình canh tác lúa “3 giảm - 3 tăng”; quản lý chặt các hoạt động buôn bán phân bón, thuốc BVTV, có giải pháp bình ổn giá vật tư nông nghiệp; hỗ trợ liên kết với các DN tiêu thụ sản phẩm, vốn vay để HTX thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

ĐINH HÙNG
(Thực hiện)

;
.