Chuyển đổi số là chặng đường tất yếu DN phải tiến hành
Sáng 15/9, tại TP.Vũng Tàu, hội thảo về chuyển đổi số được tổ chức với sự tham dự của hơn 30 DN vừa và nhỏ, các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý nhà nước. Những ý kiến tại hội thảo chỉ rõ, chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo không còn là mục tiêu dài hạn, mà là thực tế trước mắt bắt buộc DN phải tiến hành.
GS.TSKH Hoàng Văn Kiếm, nguyên Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước ngành Công nghệ thông tin giới thiệu chuyên đề chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất, kinh doanh. |
Nhiều thách thức
Phát biểu khai mạc hội thảo Chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo cho DN nhỏ và vừa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, TS. Trương Thành Công, Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học-kỹ thuật tỉnh nhận định, chuyển đổi số đã diễn ra hầu hết các loại hình DN và nhiều mức độ khác nhau. Tuy vậy, quá trình này còn nhiều khó khăn, thách thức như: thiếu kỹ năng số và nhân lực; thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh; thiếu tư duy và các thách thức về văn hóa kỹ thuật số; thiếu nguồn lực về tài chính…
Quan trọng nhất là thách thức từ nhận thức của nhà quản trị. Cụ thể hơn, chuyển đổi số phải thực sự tác động lớn đến chiến lược kinh doanh và tạo ra sự thay đổi toàn diện với quá trình hoạt động của DN. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều DN vẫn còn ngần ngại do chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số với sự phát triển.
Giám đốc Sở TT-TT Đỗ Hữu Hiền cũng cho biết, thay đổi nhận thức của DN nhỏ và vừa là mục tiêu của các nhà quản lý. Ông Hiền cho biết, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện và kinh tế số là một trong những lĩnh vực được quan tâm đặc biệt. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2030, lĩnh vực này đóng góp vào sự tăng trưởng GRDP của Bà Rịa-Vũng Tàu từ 35-37%. Tuy nhiên, theo thống kê, 9 tháng đầu năm tỷ lệ này mới ở mức 6,8%. Nguyên nhân là các DN nhỏ và vừa chưa thực sự tham gia tích cực vào xu hướng chuyển đổi số.
“Để khắc phục, tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thay đổi nhận thức của DN. Cùng với đó, Bà Rịa-Vũng Tàu đã xây dựng kế hoạch và sẽ gấp rút triển khai những chính sách hỗ trợ cụ thể về tài chính, công nghệ để các DN nhỏ và vừa hiểu và có cơ hội chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa”, Giám đốc Sở TT-TT thông tin thêm.
Muốn chuyển đổi số, DN phải chấp nhận thay đổi
Tại hội thảo, các chuyên đề do các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam đã trình bày đã làm rõ về bản chất của chuyển đổi số; chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam; chuyển đổi số cho các DN của Bà Rịa-Vũng Tàu; trí tuệ nhân tạo (AI) và ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh.
Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý và hơn 30 DN trên toàn tỉnh. |
TS. Nguyễn Tuấn Hoa, thành viên nhóm chuyên gia tư vấn phát triển kinh tế số - xã hội số của Bộ TTTT nhận định, chuyển đổi số với các DN nhỏ và vừa sẽ giúp các hoạt động như kế toán, tài vụ, thống kê, lưu trữ hay chăm sóc khách hàng thay đổi mạnh mẽ, qua đó nâng cao năng suất và hiệu quả lao động. Tuy nhiên, các DN không tự “giải quyết được mọi chuyện” mà cần tham gia vào các chuỗi liên kết số và trưởng thành số thông qua hoạt động thực tế.
TS. Nguyễn Tuấn Hoa cho biết: “Để làm được điều này, chính quyền cần xây dựng được môi trường đầu tư, kinh doanh số. Các tổ chức, hiệp hội kết nối được DN không chỉ trong thực tế mà còn trong môi trường số và phải có các DN công nghệ cung cấp được nền tảng và công cụ số”.
Tại buổi hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đã nhận được nhiều lời mời của các DN để trực tiếp làm việc, xây dựng phương án, tìm ra hướng đi để chuyển đổi số hiệu quả nhất trong sản xuất, kinh doanh. Ban tổ chức hội thảo kỳ vọng cú “bắt tay” của DN, nhà khoa học và cơ quan quản lý sẽ giúp kinh tế số của Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển mạnh mẽ hơn nữa. |
Giới thiệu một số giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản trị kinh doanh tại hội thảo, GS. TSKH Hoàng Văn Kiếm, nguyên Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước ngành Công nghệ thông tin cho rằng, công nghệ hiện đại song hành với rủi ro, do đó, DN phải nắm bắt được xu hướng, ứng dụng cách làm việc và kiểm soát để bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả. “Cùng với đó, sự chuyển dịch sang mô hình mới phải có sự nhất quán trong mô hình quản trị, kế hoạch chuyển đổi và phương thức triển khai trên cơ tính toán kỹ lưỡng nguồn lực, tiềm năng và những rủi ro gặp phải khi thay đổi mô hình kinh doanh”, GS. TSKH Hoàng Văn Kiếm đề nghị.
Bài, ảnh: QUANG VINH