Sáng 30/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến điểm cầu 63 địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với 63 địa phương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Kinh tế vĩ mô giữ được sự ổn định
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, kinh tế vĩ mô trong nước giữ được sự ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn (về thu chi, xuất - nhập khẩu, năng lượng, lương thực, lao động) được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn những thách thức không nhỏ như tăng trưởng thấp hơn kế hoạch; sức ép lạm phát còn cao; thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tiếp cận tín dụng còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng đề nghị tập trung phân tích, làm rõ những điểm mới của tình hình như điều hành lãi suất của các nước, giá dầu, lương thực…, từ đó có phản ứng chính sách kịp thời, chính xác, hiệu quả, thúc đẩy được các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu…
Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực để nâng cao tính chủ động, tích cực, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, tăng cường đổi mới sáng tạo, thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả hơn, từ đó tạo ra đột phá, đạt kết quả theo yêu cầu và mong muốn.
Tại phiên họp, báo cáo của Bộ KH-ĐT cho thấy, nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng chuyển biến tích cực hơn qua từng tháng, từng quý nhưng chưa đạt như kỳ vọng.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến điểm cầu 63 địa phương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tăng trưởng GDP quý III ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh nhiều nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng thấp. Trong đó, khu vực nông nghiệp và dịch vụ lần lượt tăng 3,72% và 6,24%, là động lực thúc đẩy tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Sau khi đề ra một số kịch bản tăng trưởng quý IV, Bộ KH-ĐT đề ra một số giải pháp để đạt được mục tiêu: hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường nội địa; thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu;
Cùng với đó, tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao; tranh thủ các cơ hội mới từ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ để thu hút các tập đoàn đa quốc gia: đầu tư, hợp tác hình thành hệ sinh thái chip, bán dẫn, sản xuất linh kiện, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực công nghệ cao...
Kinh tế Bà Rịa-Vũng Tàu được dự báo tiếp tục tăng trưởng
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, kinh tế-xã hội cũng chuyển biến theo hướng tích cực. Các chỉ tiêu kinh tế hầu hết có tốc độ tăng trưởng khả quan. Riêng chỉ số sản xuất công nghiệp trừ dầu thô và khí đốt tháng 9 tăng 33,27% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước ước 9 tháng gần 64 ngàn tỷ đồng, chi ngân sách khoảng 16.665 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn ngân sách đáp ứng chi theo dự toán. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật được chú trọng, các dự án đầu tư, xây dựng trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tiến hành đảm bảo tiến độ thi công theo kế hoạch.Tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý 9 tháng tăng 35,02% so với cùng kỳ.
Ngành công nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều chuyển biến tích cực những tháng cuối năm. Trong ảnh: Nhà xưởng của Công ty TNHH TM-XD Nhà thép Khang Thịnh, huyện Long Điền sôi động nhờ đơn hàng trở lại. |
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dung 9 tháng ước tăng 13,61% so với cùng kỳ năm trước, riêng doanh thu du lịch lữ hành tăng hơn gấp đôi năm ngoái. Tổng số khách du lịch đến Bà Rịa-Vũng Tàu đạt hơn 5,2 triệu lượt người.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh 9 tháng ước đạt hơn 10,3 ngàn tỷ đồng; trong đó, xuất khẩu khoảng 5,56 ngàn tỷ đồng.
Theo dự báo, tăng trưởng GRDP của tỉnh sẽ tiếp tục khả quan hơn trong quý IV. Để đạt được mục tiêu, tỉnh đã đề ra một số giải pháp cụ thể, như: đẩy mạnh cải cách hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; thúc đẩy tiến độ hoàn thành, đưa vào vận hành các dự án công nghiệp mới chuẩn bị đi vào hoạt động, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh…
Bài, ảnh: QUANG VINH