.

Cú hích cho công nghiệp hỗ trợ

Cập nhật: 18:07, 26/09/2023 (GMT+7)

Thông tin từ Bộ Công thương cho thấy, cả nước hiện có khoảng 5.000 DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Với nhiều chính sách “trợ lực” cho ngành CNHT thời gian qua, tỷ lệ nội địa hóa đã cải thiện đáng kể. Theo đó, lĩnh vực dệt may, da giày tỷ lệ nội địa hóa khoảng 45-50%, cơ khí chế tạo đạt 15-20%, lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô 5-20%. Riêng tại Bà Rịa-Vũng Tàu có gần 100 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT với ngành nghề đa dạng như: cơ khí hàng hải, dầu khí, tàu thuyền, chế tạo, kết cấu thép, cơ khí gia công luyện cán thép, linh kiện điện tử, linh kiện máy móc, đóng sửa tàu thuyền...

Tuy nhiên, CNHT khu vực DN trong nước phát triển khá chậm, số lượng còn ít, quy mô nhỏ, năng lực vốn, công nghệ, sản xuất còn rất hạn chế, chỉ có khả năng tham gia vào một số lĩnh vực không đòi hỏi cao về kỹ thuật công nghệ và kỹ năng sản xuất. Quy mô và năng lực cạnh tranh của DN còn yếu. Nhiều DN chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu. Trong 5.000 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT thì chỉ có hơn 1.000 DN trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. CNHT mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm CNHT với các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Trước thực trạng đó, mới đây Bộ Công thương đã có tờ trình gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc tiếp thu các ý kiến với dự thảo sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 111) về phát triển CNHT với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất. Theo dự thảo, DN có dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển sẽ được hưởng các ưu đãi, gồm ưu đãi về thuế thu nhập DN.

Dự thảo xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Xúc tiến thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, kết nối hỗ trợ DN trở thành nhà cung ứng sản phẩm, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ... Về vốn, Bộ Công thương đề xuất, ngân sách trung ương hỗ trợ cấp bù lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại với các khoản vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của DN để đầu tư dự án. Mức cấp bù chênh lệch lãi suất được đề xuất là 3%/năm. Thời gian được nhà nước hỗ trợ tín dụng bằng thời hạn cho vay, nhưng không quá 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng vay vốn. Chính sách này áp dụng với các khoản vay ký thỏa thuận vay vốn, giải ngân thực hiện đến hết năm 2030.

Thông tin trên được DN kỳ vọng sẽ tạo “cú huých” để DN ngành CNHT đổi mới sáng tạo, tiếp cận nguồn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, việc xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 111 rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Qua đó, giúp DN lĩnh vực CNHT lớn mạnh, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.

NGÔ GIA

.
.
.