Cầu nối giúp nông dân phát triển kinh tế
NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Với vai trò là cầu nối, Hội Nông dân tỉnh đã đồng hành, hỗ trợ hội viên nông dân sản xuất kinh doanh, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Mô hình đan giỏ lục bình của nông dân Lê Văn Đạt, KP. Hải Tân, TT. Long Hải, huyện Long Điền đã vươn xa ra thế giới. |
Nhiều mô hình sản xuất giỏi
Nhiệm kỳ qua, một trong những hoạt động thu hút nông dân tham gia là phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu. Thông qua phong trào này, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh của nông dân đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và có sức lan tỏa.
Trước đây, ông Hoàng Ngọc Cẩn (xã Bình Giã, huyện Châu Đức) có 5.000m2 đất trồng tiêu. Tuy nhiên, do giá tiêu liên tiếp giảm mạnh, trong khi dịch bệnh hoành hành nên thu nhập của ông giảm sút. Năm 2019, được Hội Nông dân xã Bình Giã vận động, ông mạnh dạn phá bỏ vườn tiêu già cỗi chuyển sang trồng thử nghiệm nha đam với diện tích 1.000m2. Sau 6-8 tháng trồng, cây nha đam bắt đầu cho thu hoạch từ 5-7 tấn/1.000m2. Khi cây phát triển ổn định, mỗi tháng cho thu hoạch 1 lần, với giá bán từ 1.500-4.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, gia đình ông còn lãi khoảng 10 triệu đồng/tháng. Đầu ra của cây nha đam đều được các công ty ở TP. Hồ Chí Minh thu mua, thông qua sự giới thiệu, hỗ trợ của Hội Nông dân huyện.
“Nhờ sự hỗ trợ của hội nông dân nên việc trồng cây nha đam cũng thuận lợi. Trồng cây nha đam khỏe hơn trồng tiêu, trong khi đó đầu ra ổn định, thu nhập cao. Hiện tôi đã mở rộng thêm diện tích trồng nha đam lên 4.000m2”, ông Cẩn chia sẻ.
Nuôi tôm công nghệ cao của HTX Chợ Bến (xã An Ngãi, huyện Long Điền) cũng là một trong những mô hình sản xuất giỏi, mang lại thu nhập cao cho hội viên. Với diện tích 3 ha, HTX Chợ Bến có thể sản xuất 3 vụ tôm. “HTX đang liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với mô hình nuôi tôm an toàn sinh học CP.Biotic Farming. Mô hình này kiểm soát tốt môi trường nước, ngăn ngừa bệnh gây hại cho tôm và thời gian nuôi ngắn, lợi nhuận thu về khoảng 30% trên tổng doanh thu, nhờ đó thu nhập của thành viên cũng tăng cao”, ông Huỳnh Văn Thuyết, Giám đốc HTX Chợ Bến cho biết.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của HTX Chợ Bến đã giúp tăng giá trị và sản lượng so với nuôi tôm truyền thống, qua đó giúp nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. |
Đồng hành hỗ trợ hội viên
Theo ông Mai Minh Quang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, 5 năm qua, dù gặp nhiều bất lợi, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 làm cho kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, Hội Nông dân tỉnh đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội VI nhiệm kỳ 2018 - 2023 đề ra.
Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm của Hội trong xây dựng giai cấp nông dân ngày càng được khẳng định, thể hiện rõ vị thế là trung tâm và nòng cốt cho các phong trào nông dân. Để hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, Hội Nông dân tỉnh đã quản lý hiệu quả gần 129 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 1.216 tỷ đồng, Ngân hàng NN-PTNT hơn 8.700 tỷ đồng hỗ trợ hội viên vay vốn phát triển kinh tế.
Ông Trần Hài Hòa (thôn 2, xã Bình Trung, huyện Châu Đức) cho biết, gia đình ông trồng nấm rơm trên diện tích 1.000m2, với 20 nhà trồng nấm. Bình quân mỗi năm ông sản xuất 10 vụ, cho sản lượng khoảng 1-1,2 tấn. Với giá bán từ 65-70 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông lãi gần 20 triệu đồng/vụ. Đầu ra của nấm rơm hiện ổn định, vì vậy ông Hòa đã được Hội Nông dân huyện Châu Đức hỗ trợ vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND để mở rộng quy mô trại nấm.
Nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với thực hiện 3 đề án phát triển kinh tế mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Nông dân nhiệm kỳ 2018-2023 đề ra. Đến nay, phong trào được phát động và thực hiện trên 100% cơ sở Hội, ngày càng đạt hiệu quả cao về số lượng và chất lượng. Từ phong trào đã xuất hiện hàng trăm tấm gương nông dân điển hình tiên tiến trong sản xuất - kinh doanh giỏi, năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, hình thành các mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng. Bình quân hàng năm, Hội Nông dân tỉnh có 28.197 nông dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (đạt 125,35% so chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội VI đề ra). 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh cũng đã hỗ trợ, giúp đỡ 3.103 hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững (đạt 443,29% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội VI đề ra). |
“Với nguồn vốn vay này, tôi đã mua máy trộn giá thể, nồi hơi và nguyên liệu làm nấm. Hy vọng với sự đầu tư này, tôi sẽ đẩy công suất trại nấm lên trên 1,5 tấn/tháng. Bên cạnh đó, tôi cũng liên kết bao tiêu sản phẩm nấm cho bà con nông dân trên địa bàn khác của huyện”, ông Hòa nói.
Bên cạnh việc hỗ trợ vốn vay, Hội Nông dân tỉnh cũng quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nông dân, qua đó góp phần nâng cao trình độ nhận thức của nông dân, xây dựng được các mô hình liên kết sản xuất nông sản chất lượng cao, an toàn, hiệu quả.
“Các phong trào thi đua do Hội cấp trên và địa phương phát động có sức lan tỏa và phát triển mạnh mẽ trong nhân dân. Các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất được đẩy mạnh. Qua đó, đời sống thu nhập của đa số nông dân ngày càng được cải thiện”, ông Mai Minh Quang nhấn mạnh.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU