NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện các phong trào Hội, xây dựng nông thôn mới. Phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu có cuộc trao đổi với ông Mai Minh Quang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh về vấn đề này.
* Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về kết quả hoạt động của Hội Nông dân trong nhiệm kỳ qua?
- Ông Mai Minh Quang: Trong nhiệm kỳ qua, BCH Hội Nông dân tỉnh đã lãnh đạo các cấp hội trong tỉnh thực hiện đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu cơ bản do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giao và các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, lần thứ VII. Trong đó, có những chỉ tiêu đạt cao như: tăng trưởng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt 626,55%, công tác hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo có điều kiện sinh kế đạt 443,29%, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đạt từ 142-230%, xây dựng mô hình kinh tế tập thể đạt 181,33%, phát triển hội viên đạt 128,64%, hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp hàng năm đều đạt trên 110%...
Các cấp hội thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tổ chức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, gắn với phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; phát triển các chi, tổ hội nghề nghiệp, gắn với các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân nhằm thu hút, tập hợp nông dân tham gia vào tổ chức Hội.
Bên cạnh đó, Hội đã tích cực chủ động trong xây dựng và triển khai thực hiện 3 đề án gồm: Hỗ trợ nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững; Hỗ trợ nông dân tham gia phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái và Hỗ trợ nông dân phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Qua triển khai đã được cán bộ, hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái đã hình thành, phát triển và nhân rộng, các hộ hội viên, nông dân nghèo có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống, góp phần ổn định kinh tế.
* Những cơ hội và thách thức đối với nông dân và tổ chức hội trong thời gian tới là gì, thưa ông?
- Trong những năm tới, tình hình nông nghiệp, nông dân có những thời cơ, thuận lợi mới nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức đan xen, nhất là tình hình chính trị thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, gây ra khủng hoảng về kinh tế, tạo sức ép lạm phát, yếu tố chi phí sản xuất đầu vào tiếp tục có xu hướng tăng, giá cả đầu ra thiếu ổn định. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự biến đổi về khí hậu, thiên tai, môi trường sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực, trong đó có sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, tiến trình đô thị hóa và công nghiệp hóa của địa phương diễn ra nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, số lượng nông dân sẽ ngày càng giảm buộc nông dân phải thay đổi thói quen canh tác, trong đó các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ là xu hướng chiếm ưu thế. Hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp là điều kiện bắt buộc phát triển trong thời gian tới...
Trước những thời cơ, thuận lợi và thách thức đan xen, đòi hỏi mỗi tổ chức Hội và cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh phải đổi mới toàn diện nội dung, phương thức hoạt động, đổi mới tư duy sản xuất để tạo ra những sản phẩm có giá trị đáp ứng với nhu cầu của thị trường và đảm bảo về môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Mai Minh Quang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong thực hiện 3 đề án của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh giai đoạn 2019-2023. |
* Để tiếp tục phát huy vai trò cầu nối của Hội đối với hội viên nông dân, theo ông cần có những giải pháp gì?
- Thời gian tới, Hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị tư tưởng với tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát huy sức mạnh của giai cấp nông dân trong phát triển kinh tế hợp tác; tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn dạy nghề, hỗ trợ nông dân, đáp ứng nhu cầu và lợi ích thiết thực, chính đáng của hội viên, nông dân. Tiếp tục chủ động thực hiện và phối hợp thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội liên quan đến nông dân, nông thôn.
Tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; chủ động xây dựng và phát triển các mô hình liên kết hợp tác, hợp tác xã; triển khai có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; tích cực vận động nông dân tham gia xây dựng “gia đình văn hóa”, “thôn, ấp văn hóa”, tham gia bảo vệ môi trường nông thôn. Thực hiện tốt chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên nông dân...
Bên cạnh đó, duy trì và mở rộng các hình thức dịch vụ hỗ trợ, tư vấn giúp nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, như: vay vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản, liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản...; xây dựng lực lượng lao động nông thôn có tác phong công nghiệp, kỹ năng chuyên nghiệp; vận động hội viên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các mô hình điểm, mô hình kinh tế trang trại để phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của nông dân, hội viên trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
* Xin cảm ơn ông!
ĐÔNG HIẾU
(Thực hiện)