8 chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng cao
Chiều 6/9, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 8/2023 đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 8 tháng năm 2023 và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. |
Số DN đăng ký tăng vốn tăng 4,06%
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, tình hình kinh tế tháng 8 chuyển biến tích cực, các ngành công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp đã đạt mức tăng trưởng cao so với các tháng đầu năm.
Có 8/13 chỉ tiêu kinh tế, tài chính có mức tăng trưởng so với cùng kỳ và cao hơn mức tăng trưởng của cả năm 2023 theo Nghị quyết HĐND tỉnh: Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, doanh thu dịch vụ lữ hành, giá trị sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất ngư nghiệp, giá trị sản xuất lâm nghiệp, tổng thu ngân sách, tổng chi ngân sách. Ngoài ra, số DN đăng ký tăng vốn tăng 4,06% so cùng kỳ.
Các lĩnh vực văn hóa thể thao, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông... đều triển khai đầy đủ, kịp thời. Đời sống nhân dân được bảo đảm, tự an toàn xã hội được duy trì. Công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo,… đều có nhiều cải thiện.
Bên cạnh những mặt đạt được, trong 8 tháng đầu năm có một số tồn tại, hạn chế. Một số chỉ tiêu kinh tế tăng thấp hơn mức bình quân kế hoạch. Cụ thể, theo Nghị quyết đề ra, giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí) tăng 9,24%, tuy nhiên 8 tháng qua lĩnh vực này chỉ tăng tăng 8,26%. Một số chỉ tiêu kinh tế giảm so với kế hoạch: doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm 1,32%; kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu khí) giảm 1,96%; kim ngạch nhập khẩu giảm 1,19%. Thu hút mới đầu tư trong và ngoài nước giảm số lượng dự án và cả số vốn đăng ký. Đáng chú ý, giá trị giải ngân đầu tư công còn thấp, mới đạt 49,15% tổng kế hoạch vốn 2023.
Theo Sở KH&ĐT, nguyên nhân là do những yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế thế giới; nhu cầu thị trường giảm, dẫn đến sản phẩm tiêu thụ chững lại, việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu cao... Riêng các ngành gỗ, thép, dệt may gặp nhiều khó khăn về đơn hàng, giá và thị trường. Các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu lượng hàng tồn kho nhiều, do nhu cầu thị trường nước ngoài giảm. Thị trường bất động sản suy giảm tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan như: ngành thép, vật liệu xây dựng, cơ khí.
Thúc đẩy tăng trưởng sản phẩm công nghiệp chủ lực
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch năm 2023, trong những tháng cuối năm, tỉnh tập trung thúc đẩy tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh (sản phẩm thép, cấu kiện kim loại, điện, vật liệu xây dựng cơ bản, …) thông qua việc đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo tinh thần Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.
Tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư. Tổ chức rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tạo điều kiện cho các DN, HTX vay vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư kết cấu hạ tầng, đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất, từ các quỹ của tỉnh như: Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ hỗ trợ kinh tế tập thể và Quỹ đầu tư phát triển tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ đề nghị các sở, ngành, địa phương rà soát lại những việc gì chưa làm được, tìm hiểu nguyên nhân vì sao tiến độ công việc ì ạch để từ đó đề ra các giải pháp khắc phục, tháo gỡ. Trong đó, tập trung các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công; thu ngân sách; các chính sách liên quan đến người dân, DN… bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. |
Riêng đối với lĩnh vực đầu tư công, để triển khai các dự án bảo đảm tiến độ và chất lượng theo yêu cầu, Tỉnh tập trung hoàn chỉnh thủ tục đầu tư và chuẩn bị mặt bằng để khởi công các dự án mới năm 2023; chỉ đạo và điều hành các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách cấp huyện, bảo đảm tuân thủ các quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư, triển khai kiểm soát chi vốn tư bằng chứng từ điện tử, chữ ký số; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.
Về các địa phương cũng đề ra các giải pháp nhằm bảo đảm tiến độ giải ngân đầu tư công. Chẳng hạn, tại huyện Côn Đảo, theo ông Huỳnh Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện, trong tuần sẽ mời các chủ đầu tư dự án làm việc, đồng thời huyện cũng đã sẵn sàng mặt bằng để thi công dự án.
Trong khi đó, tại TP.Vũng Tàu, ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết sẽ làm việc với các hộ dân ở những khu vực có dự án sắp triển khai để thống nhất phương án di dời, giải phóng mặt bằng.
Bài, ảnh: PHAN HÀ