Thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Kỳ 2: Cần chính sách đột phá
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Dù đã đạt một số kết quả nhất định nhưng việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) chưa như kỳ vọng, còn nhiều rào cản, đòi hỏi cần có chính sách đột phá nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Mô hình nuôi tôm an toàn sinh học “CP.Biotic Farming” của HTX Chợ Bến, huyện Long Điền ứng dụng công nghệ nên sản lượng và chất lượng tôm được bảo đảm. |
Chưa như kỳ vọng
Huyện Châu Đức là một trong những địa phương được chọn để phát triển NNUDCNC, đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng NNUDCNC như: vùng sản xuất NNUDCNC hồ tiêu (quy mô 1.500ha), vùng chăn nuôi NNUDCNC (chăn nuôi gà quy mô 500.000 con/lứa; heo thịt 50.000 con/năm). Tuy nhiên, các vùng NNUDCNC này vẫn chưa bảo đảm yêu cầu về công nghệ và các tiêu chí về vùng công nghệ cao theo quy định tại Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu thấp, chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú. Công nghệ bảo quản còn kém, nhất là đối với rau quả tươi, thiếu kho bảo quản. Trong lĩnh vực trồng trọt, việc áp dụng CNC còn hạn chế, tỷ lệ áp dụng tưới tiết kiệm thấp, chiếm khoảng 10% diện tích sản xuất nông nghiệp.
Tại huyện Đất Đỏ, đến thời điểm này, huyện mới có 7/14 dự án NNUDCNC; 285/372 mô hình (đạt 76,61%), tổng diện tích đất sản xuất NNUDCNC là 247,92ha (đạt 54,37%) so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XII đề ra. Ông Hồng Như Vàng, Phó Chủ tịch UBND huyện nhận định, diện tích sản xuất NNUDCNC trên địa bàn huyện còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa hình thành các vùng CNC đáp ứng đủ tiêu chí theo quy định.
Bên cạnh việc khó kêu gọi đầu tư vào các dự án NNUDCNC, tình trạng thiếu quỹ đất, vốn cũng là những nguyên nhân khiến cho việc phát triển NNUDCNC chưa như mong đợi.
Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức) cho rằng, rào cản lớn nhất trong phát triển NNUDCNC là quỹ đất. Ông Thành nêu ví dụ, Công ty TNHH TM-DV Ca cao Thành Đạt có các đối tác thương mại lớn, có thể xuất khẩu khoảng 4.000-5.000 tấn hạt ca cao/năm, nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 200-300 tấn. DN phải từ chối nhiều đơn hàng do chưa có quỹ đất hình thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung.
“Hiện nay diện tích sản xuất ca cao của DN chủ yếu là liên kết với các nông hộ chứ chưa có một vùng sản xuất tập trung khép kín. Muốn hình thành một vùng sản xuất NNUDCNC lớn tập trung khép kín từ nghiên cứu, giống, quy trình sơ chế chuẩn, chuyên sâu… phải có quỹ đất từ 10-20ha. Có làm được như vậy mới nâng được chất lượng, tạo được chuỗi liên kết và nâng giá trị của nông sản trên thị trường”, ông Thành cho hay.
Kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư
Theo mục tiêu của Đề án 04 giai đoạn 2022-2025, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu hình thành Trung tâm ứng dụng NNCNC, quy hoạch và xây dựng 5 vùng sản xuất NNCNC trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản: vùng sản xuất hồ tiêu, vùng chăn nuôi, vùng cây ăn quả và vùng thủy sản gắn với liên kết sản xuất nâng cao chuỗi giá trị, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, khuyến khích đầu tư các sản phẩm chủ lực.
Từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ xây dựng các vùng NNCNC gồm: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao 600ha tại huyện Xuyên Mộc; vùng sản xuất rau diện tích 500ha (TX.Phú Mỹ 450ha, huyện Đất Đỏ 50ha); vùng sản xuất hồ tiêu diện tích 2.740ha (huyện Châu Đức 1.500ha, huyện Xuyên Mộc 1.240ha); vùng sản xuất cây ăn quả (nhãn, thanh long, chuối, sầu riêng…) diện tích 3.050ha (huyện Châu Đức 1.000ha; huyện Đất Đỏ 200ha; huyện Xuyên Mộc 1.350ha; TX. Phú Mỹ 500ha); vùng sản xuất cây dược liệu 70ha tại huyện Xuyên Mộc; vùng sản xuất ca cao 100ha tại huyện Châu Đức.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh xây dựng các vùng chăn nuôi UDCNC, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật tại 3 huyện Châu Đức, Đất Đỏ, Xuyên Mộc.
Đối với lĩnh vực thủy sản phát triển nuôi trồng thủy sản trên 3 vùng sinh thái: nước ngọt, mặn lợ và nuôi trên biển theo hướng hữu cơ, sinh thái bền vững, hiệu quả; chú trọng phát triển nuôi lồng bè trên sông, trên biển, ven biển và hải đảo.
|
Để đạt mục tiêu trên, các địa phương đã đề ra kế hoạch và giải pháp thực hiện cụ thể. Ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho hay, huyện phấn đấu giá trị NNCNC trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 60% trong tổng cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Do đó, huyện tiếp tục kêu gọi, khuyến khích DN đầu tư vào NNUDCNC. Về nguồn vốn, tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình khuyến nông, khuyến lâm, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn… để phục vụ phát triển NNCNC.
Trong khi đó, huyện Đất Đỏ cũng đang rà soát quỹ đất ưu tiên cho NNUDCNC. Ông Hồng Như Vàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cho biết, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục rà soát quỹ đất vùng Đề án phân khu chức năng NNCNC 253ha tại xã Phước Hội, kiến nghị UBND tỉnh sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thu hút DN đầu tư dự án NNUDCNC trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng đánh giá các mô hình sản xuất có hiệu quả để khuyến khích nhân rộng. Đồng thời, phát triển NNUDCNC gắn với du lịch cộng đồng; hỗ trợ, khuyến khích phát triển các sản phẩm NNUDCNC xây dựng nhãn hiệu, bao bì cho sản phẩm gắn với thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP…
Bà Trần Thị Kim Loan, Trưởng Phòng Kinh tế TX.Phú Mỹ thông tin, địa phương đã xác định phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị UDCNC, nông nghiệp 4.0. Để thực hiện mục tiêu này, thị xã đầu tư chuyên sâu cho các vùng rau chuyên canh tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường; xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị; thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng trong cả nước.
Đối tác tham quan và kiểm tra chất lượng trái ca cao tại vườn của Công ty TNHH TM-DV Ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức). |
Theo ông Huỳnh Sơn Thái, Giám đốc Sở NN-PTNT, để tập trung phát triển NNCNC trong thời gian tới, sở sẽ giới thiệu các vùng NNCNC được công nhận và quy hoạch, cùng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư; công bố rộng rãi các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển NNCNC đến năm 2025, ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng khu, vùng quy hoạch phát triển NNCNC tại các địa phương. Việc tận dụng tối đa các kênh huy động vốn cho NNCNC cũng được triển khai thực hiện.
Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích các DN thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư, phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong của DN trong phát triển NNUDCNC. Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất tại 2 khu vực xã Xuân Sơn và xã Quảng Thành, huyện Châu Đức theo Đề án 04 của Tỉnh ủy nhằm thực hiện kêu gọi đầu tư các dự án NNUDCNC.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU