Công nhân gồng mình trong tình hình giảm việc làm
Mất việc, giảm giờ làm kéo theo thu nhập giảm trong khi giá cả ngày càng leo thang... khiến đời sống công nhân lao động (CNLĐ) rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất. Tại nhiều khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh, CNLĐ đang cầm cự mong tìm được việc làm mới, một số khác không trụ nổi đã trở về quê. Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ CNLĐ.
Không có đơn hàng, khó khăn kéo dài khiến nhiều công ty phải liên tục cắt giảm lao động. Trong ảnh: Công nhân Công ty chuyên sản xuất ba lô trên địa bàn TX.Phú Mỹ trong giờ sản xuất. |
Không đủ sống, công nhân ngậm ngùi trở về quê
Không còn cảnh tấp nập, nhộn nhịp như trước, các khu nhà trọ nằm trên địa bàn phường Phú Mỹ, Mỹ Xuân (TX.Phú Mỹ) giờ vắng vẻ. Các dãy trọ chỉ còn 1-2 phòng có người thuê.
Trong căn phòng trọ chỉ hơn 10m2, vợ chồng anh Trương Mạnh Hùng đang sắp xếp đồ đạc trả phòng để về quê. Sau 10 năm rời Trà Vinh lên làm công nhân, hành lý vợ chồng anh Hùng là 2 chiếc ba lô cũ với vài bộ quần áo. Anh Hùng làm công nhân trong KCN Mỹ Xuân A2, còn vợ là lao động tự do.
“Trước kia, lương của tôi hơn 10 triệu đồng/tháng, cộng với thu nhập của vợ tạm đủ lo cho cả gia đình. 3 năm trở lại đây, thu nhập giảm chỉ còn vài triệu đồng/tháng. Ban đầu cả gia đình ráng tằn tiện để cầm cự, giờ “gồng” hết nổi nên trước mắt cả gia đình về quê đã rồi tính sau”, anh Hùng cho biết.
Tương tự, vợ chồng anh Nguyễn Trung Hiếu, quê ở Hà Tĩnh cũng vừa trả phòng để về quê. Anh Hiếu làm công nhân được 5 năm tại Công ty TNHH Công nghiệp Miky (phường Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ), còn vợ làm công nhân may của Công ty TNHH ETOP-Việt Nam. Từ cuối năm 2022, công ty anh Hiếu chỉ trả 20% lương cho CNLĐ, còn công ty vợ thì CNLĐ phải luân phiên nghỉ giờ làm vì việc giảm. Với khoản tiền lương vài triệu đồng/tháng, vợ chồng anh Hiếu chỉ tạm đủ trả tiền nhà trọ. Chưa kể, khi chẳng may xảy ra tai nạn phải nhập viện, anh Hiếu mới biết BHYT hết hạn nhưng công ty không đóng nên anh phải lo mọi chi phí điều trị.
“Thấy tình hình khó khăn quá, tôi làm đơn xin nghỉ việc từ tháng 1/2023 nhưng công ty vẫn chưa giải quyết. Hiện tại, công ty đang nợ 9 tháng đóng bảo hiểm nên tôi chưa rút được sổ BHXH. Trong công ty tôi mọi người nghỉ việc cũng gần hết. Để xoay xở, có người đi tìm việc khác, người đi xuất khẩu lao động”, anh Hiếu giãi bày.
Thông tin về tình hình việc làm 6 tháng đầu năm 2023 của Sở LĐTBXH cho biết, Bà Rịa-Vũng Tàu có hơn 9.800 người lao động (NLĐ) bị mất việc, chấm dứt hợp đồng lao động; hơn 5.500 NLĐ bị tạm hoãn hợp đồng lao động và nghỉ việc không hưởng lương; hơn 20.000 NLĐ bị cắt giảm giờ làm và hàng chục ngàn NLĐ khác phải nghỉ phép năm vì DN không có đơn hàng, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. 10.560 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 13% so với cùng kỳ 2022.
|
Cần giải pháp hỗ trợ công nhân, lao động
Theo Sở LĐTBXH, tình hình việc làm từ nay đến cuối năm 2023 vẫn còn khó khăn. Nhiều DN đang tiếp tục giảm lao động, giải thể, phá sản. Tình trạng mất việc tập trung nhiều nhất ở DN công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày, sản xuất nhôm...
Ngoài chính sách trợ cấp thất nghiệp, hiện Tổng LĐLĐ Việt Nam đang đề xuất gia hạn triển khai gói hỗ trợ cho lao động tạm ngừng việc, mất việc, theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ. Tuy nhiên, chính sách này chỉ dành cho NLĐ tham gia tổ chức công đoàn.
Cùng với đó, các phiên giao dịch việc làm đang được đẩy mạnh nhằm kết nối DN có nhu cầu tuyển dụng với các công nhân, lao động đang tìm kiếm việc làm.
Ông Mai Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, trong 6 tháng cuối năm, trung tâm tiếp tục trao đổi nắm bắt kịp thời vị trí việc làm DN có nhu cầu tuyển dụng để kết nối cho NLĐ. Đa dạng hóa phương thức tiếp cận kết nối cung cầu lao động. Đồng thời, kết nối các địa phương trong khu vực để chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau về nguồn lao động cung ứng cho DN. Hỗ trợ NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với thị trường lao động.
Các cấp công đoàn cũng đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ CNLĐ. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Các KCN tỉnh cho biết, toàn tỉnh có hơn 70.000 CNLĐ làm việc tại các KCN. Để hỗ trợ CNLĐ, Công đoàn Các KCN yêu cầu các CĐCS thường xuyên báo cáo tình hình, giám sát việc giải quyết các chế độ cho CNLĐ, nhất là về BHXH, tiền lương… nhằm bảo vệ quyền lợi CNLĐ. Với các CNLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động thì ngoài kinh phí công đoàn, đề nghị DN có hỗ trợ bằng tiền mặt cho CNLĐ. Đối với gói hỗ trợ của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hơn 4,5 tỷ đồng đã được trao hỗ trợ cho CNLĐ tại các KCN. Sắp tới đây nếu gói hỗ trợ này tiếp tục được triển khai thì công đoàn sẽ nhanh chóng giải quyết cho CNLĐ.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN