Tập trung gỡ vướng, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp
Ngày 2/8, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp thường kỳ của UBND tỉnh đánh giá việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 7 tháng và một số nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. |
Kinh tế chuyển biến tích cực
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, tình hình kinh tế tháng 7 có dấu hiệu chuyển biến tích cực, các ngành công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp đã đạt mức tăng trưởng cao hơn.
Một số chỉ tiêu kinh tế, tài chính có mức tăng trưởng so với cùng kỳ và cao hơn mức tăng trưởng của cả năm 2023 theo Nghị quyết HĐND tỉnh, gồm: giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí); tổng mức bán lẻ hàng hóa; doanh thu dịch vụ lưu trú; doanh thu dịch vụ lữ hành; giá trị sản xuất nông nghiệp; giá trị sản xuất ngư nghiệp; giá trị sản xuất lâm nghiệp.
Các lĩnh vực văn hóa-thể thao, y tế, giáo dục, KH-CN, thông tin truyền thông triển khai đầy đủ, kịp thời; đời sống nhân dân bảo đảm ổn định. Công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều cải thiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số chỉ tiêu kinh tế tăng thấp hơn mức bình quân kế hoạch cả năm, đó là các lĩnh vực: doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải; kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu khí); kim ngạch nhập khẩu; thu ngân sách nội địa; thu hút mới đầu tư trong và ngoài nước giảm số lượng dự án và cả số vốn đăng ký. Giá trị giải ngân vốn đầu tư công thấp.
Theo đánh giá của Sở KH-ĐT, nguyên nhân là do tình hình lạm phát vẫn tăng cao ở nhiều nước trên thế giới khiến nhiều quốc gia có thu nhập thấp đang phải đối mặt với những khó khăn tài chính. Xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, nhu cầu thị trường. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng sụt giảm, nhất là nhóm ngành dệt may. Thị trường bất động sản suy giảm ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí. Ngoài ra, các DN còn gặp khó khăn về tài chính như: vốn vay ngân hàng lãi suất cao; chính sách miễn, giảm, gia hạn các thuế, phí, tiền thuê đất còn triển khai chậm.
Rà soát, khắc phục hạn chế
Để hoàn thành nhiệm vụ của cả năm, trong những tháng cuối năm 2023, tỉnh tiếp tục theo dõi tình hình thực tế khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN để đề xuất giải pháp phù hợp để hỗ trợ tối đa cho DN. Tỉnh tập trung thúc đẩy tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh như: sản phẩm thép, cấu kiện kim loại, điện, vật liệu xây dựng cơ bản...
Công nhân Nhà máy Đạm Phú Mỹ xếp hàng lên xe vận chuyển đến nơi tiêu thụ. |
Tỉnh sẽ tổ chức hội nghị đối thoại giữa UBND tỉnh với các hiệp hội, DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước để kịp thời tháo gỡ vướng mắc. Tiếp tục tạo điều kiện cho các DN, HTX vay vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư kết cấu hạ tầng, đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất, từ các quỹ của tỉnh như: Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ hỗ trợ kinh tế tập thể và Quỹ đầu tư phát triển tỉnh. Thực hiện các chương trình, kế hoạch hỗ trợ DN và HTX. Tỉnh cũng duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hỗ trợ dự án đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư trong nước và nước ngoài.
Riêng đối với lĩnh vực tài chính - ngân sách, tỉnh thường xuyên theo dõi tình hình thu, chi, tồn quỹ ngân sách địa phương; bảo đảm cân đối ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách quan trọng của địa phương trong năm 2023.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát các hạn chế, chỉ tiêu không đạt trong thời gian qua để có giải pháp khắc phục, tháo gỡ; bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao; giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến người dân và DN.
Bài, ảnh: PHAN HÀ- ĐINH HÙNG