Thời gian qua, các sản phẩm OCOP của huyện Long Điền đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước mà còn vươn tầm xuất khẩu.
Sản xuất mắm ruốc tại cơ sở sản xuất Kim Ngân. |
Mở rộng thị trường
Công ty TNHH Chế biến thủy sản Đức Danh (tổ 27, ấp Phước Lâm, xã Phước Hưng, huyện Long Điền) thành lập năm 2007, chuyên mua bán và chế biến thủy hải sản xuất khẩu như thịt ghẹ đông lạnh, thịt ghẹ đóng lon thanh trùng. Nhà máy có quy mô sản xuất khoảng 1.000 tấn nguyên liệu/năm. Sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu. Doanh thu hàng năm trung bình từ 70-100 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 200 lao động tại địa phương.
Ông Cao Văn Tuyến, Giám đốc công ty cho hay, năm 2022 sản phẩm thịt ghẹ đóng lon thanh trùng của công ty được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh 4 sao. “Việc được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao giúp tăng giá trị của sản phẩm. Đây cũng là cơ hội để công ty quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường”, ông Tuyến nói.
Cơ sở sản xuất Kim Ngân (ấp Phước Hưng, xã Tam Phước, huyện Long Điền) chuyên sản xuất các loại mắm như: mắm tôm, mắm ruốc, mắm nêm... cũng từng bước khẳng định vị trí trên thị trường nhờ chất lượng vượt trội. Mỗi tháng, cơ sở sản xuất hơn 20 tấn sản phẩm các loại và phân phối đi thị trường các tỉnh miền Đông Nam Bộ và các tỉnh miền Tây.
Bà Võ Phương Thùy, chủ cơ sở sản xuất Kim Ngân cho biết, năm 2022, sản phẩm mắm ruốc pha sẵn cao cấp của cơ sở được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao đã giúp nâng cao giá trị và lòng tin của người tiêu dùng. Đây cũng là điều kiện để cơ sở tiếp tục cải tiến mẫu mã bao bì, không ngừng nâng cao chất lượng, tiếp cận gần hơn với nhiều đối tượng người tiêu dùng.
Nâng cao chất lượng
Theo đánh giá của UBND huyện Long Điền, chương trình OCOP có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy thương mại dịch vụ phát triển, đóng góp không nhỏ vào ngân sách. Do đó, huyện đã rà soát, đánh giá sản phẩm tiêu biểu gắn với tiềm năng, lợi thế và đặc trưng của từng địa phương để xây dựng kế hoạch phát triển đáp ứng yêu cầu tiêu chí OCOP. Năm 2022, huyện Long Điền có 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Ông Phạm Công Đức, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Long Điền cho biết, huyện đang phối hợp các sở, ngành tỉnh triển khai xúc tiến thương mại, kết nối, đẩy mạnh mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp; đẩy mạnh hoạt động đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Huyện phấn đấu 100% sản phẩm OCOP được tạo tài khoản, gian hàng trên sàn thương mại điện tử để tiêu thụ.
Đồng thời, huyện đặt mục tiêu hỗ trợ, vận động các chủ thể tham gia, đánh giá thêm 15 sản phẩm OCOP, trong đó ít nhất 8 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh đạt 4 sao, 7 sản phẩm đạt 3 sao trong năm 2023 và tham gia các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong năm 2024.
“Huyện cũng tuyên truyền, hỗ trợ chủ thể tiếp tục nâng tầm chất lượng, cải tiến bao bì sản phẩm và phát triển sản xuất các sản phẩm với quy mô lớn hơn, tạo sức lan tỏa phong trào xây dựng sản phẩm OCOP và nông nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện”, ông Phạm Công Đức nói thêm.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU