Nhọc nhằn mưu sinh nghề đánh bắt ven biển
Nghề đi biển gần bờ lắm gian nan, 1 chiếc thúng, đò máy đơn sơ, nhỏ nhoi trước cơn sóng dữ. Có lúc phải đánh đổi bằng cả mạng sống nhưng bằng mọi cách, họ vẫn yêu nghề, truyền nghề cho con cháu, nhiều đời bám biển.
Nghề đò, thúng lưới đi biển gần bờ lắm gian nan, nhiều nguy hiểm, những lúc gặp mưa bão, sóng to, gió lớn có thể làm lật đò, mất người lẫn tài sản. |
Đi biển trong đêm
Trong lúc mọi người còn đang say giấc nồng thì hơn 1 giờ đêm, ông Nguyễn Văn Tuấn (KP.Hải Phong 1, TT.Long Hải, huyện Long Điền) đã lọ mọ thức dậy chuẩn bị đồ nghề. Lần bước trong đêm tối ra biển, ông cùng 1 bạn đứng chờ đến phiên dịch vụ đầu máy cày kéo con đò nhà mình đang trên bãi cát xuống nước.
Lúc này khoảng 2 giờ đêm, cả bãi biển Long Hải rộn ràng tiếng người gọi nhau, tiếng máy cày kéo thúng, đò xuống biển. Và ngư dân dựa vào chút ánh sáng le lói từ bóng đèn LED cầm trong tay, tay xách nách mang đồ dùng xuống đò, thúng nhà mình, bắt đầu chuyến hành trình đi biển mưu sinh trong ngày.
Chạy hơn 2 tiếng, khoảng 6 hải lí, ông Tuấn cho đò chạy chậm lại, nhìn máy tầm ngư, ông dò tìm luồng cá. Khi tìm thấy luồng cá, ông Tuấn bắt đầu thả lưới. Giàn lưới đò ông dài hơn 700m, sau khi thả xong tới 5 giờ ông thu lưới, 6 giờ chạy về. Ông Tuấn cho biết, mỗi nhà đều có khoảng 7-8 giàn lưới đánh bắt các loại cá khác nhau, mùa nào có giàn lưới đó. Như mùa này cá trích nhỏ thì dùng giàn lưới có mắt lưới nhỏ, mảnh; đến mùa cá nục, bạc má, cá trích lớn thì dùng giàn lưới có mắt lớn và dày hơn để cá quẫy không đứt.
Cha con ông Nguyễn Văn Tuấn (KP.Hải Phong 1, TT.Long Hải) cùng đi đánh bắt nghề thúng, đò lưới gần bờ. Đây là nghề cha truyền con nối trong gia đình ông qua 4 đời. |
Đến bờ (bãi Hương Biển, TT.Long Hải) đã hơn 8 giờ, ăn vội hộp xôi cho xong bữa sáng, ông Tuấn cùng vợ, con trai bắt đầu gỡ lưới lấy cá. Ông Tuấn cho biết, hôm nay đò nhà ông chỉ được chục kg cá trích nên mới vô sớm, còn thúng, đò nhà nào càng vô trễ là càng trúng.
Gỡ cá xong, thương lái đến thu mua, giá 11 ngàn đồng/kg. Cả chuyến biển hôm nay nhà ông Tuấn thu nhập chỉ được 110 ngàn đồng, trong khi chi phí (dầu, công kéo đò lên xuống bờ, thức ăn, công bạn) hơn 400 ngàn đồng. Đò nhà ông có công suất 30CV, đi 2 người, ông và 1 bạn. Khi có cá, sau khi trừ chi phí, ăn chia 7:3 (chủ 7, bạn 3), nhưng khi lỗ vẫn phải trả mức thấp nhất cho bạn là 100 ngàn đồng/ngày. Những đò, thúng khác thì phổ biến mức chia 8:2, chia thấp hơn thì mức trả thấp nhất khi lỗ là 200 ngàn đồng/ngày.
Sau khi thu dọn, rửa lưới, tát nước và vệ sinh con đò cũng đã hơn 10 giờ, (hôm nào cá nhiều thì đến 11-12 giờ) ông cùng vợ con về nhà nghỉ ngơi, ăn trưa, đến 14 giờ chiều lại quay xuống đò vá lưới, đến 16-17 giờ mới kết thúc 1 ngày làm việc.
Thương lái thu mua cá ở cảng cá TT.Long Hải. |
Nghề nhiều nguy hiểm
“Nghề biển rất gian khổ, dầm mưa gió, sóng biển đánh ướt người là chuyện bình thường vì thúng nhỏ. Đang lúc trời yên biển lặng thì mình chèo thúng ra thả lưới. Nhưng chỉ lát sau giông gió nổi lên chạy vào không kịp là chuyện thường”, ông Trần Đức Bình (KP.Hải Sơn, TT.Long Hải, huyện Long Điền) nói.
Ông Bình kể, ông đã từng bị sóng đánh văng ra khỏi thúng khi chạy vào gần bờ cách đây 5-6 năm. Thúng nghiêng bị nước ập vào nhấn chìm xuống tận đáy. May mắn, lúc ấy có nhiều xuồng, đò cũng đang vào bờ gần đấy thấy vậy đến cứu giúp. Sau đó, ông Bình thuê thuyền cứu nạn ra trục vớt thúng vào bờ. Nhưng sóng lớn và dòng hải lưu gần bờ đã cuốn trôi mất giàn lưới hàng chục triệu đồng.
Theo Sở NN-PTNT, hiện trên toàn tỉnh, số tàu cá khai thác vùng ven bờ (xuồng, xỏng, đò, thúng) và vùng lộng đi về trong ngày có khoảng 1.900 chiếc, giảm hơn 1.000 chiếc so với năm 2020. Nguyên nhân giảm, do thực hiện khuyến nghị của EC, chỉ đạo của Bộ NN-PTNT về cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác, tỉnh đã giảm dần và chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ cùng các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. |
Gia đình và cả dân làng trải qua phen hú vía vì lo sợ. Nhưng đấy là chuyện thường của những ngư dân hành nghề lưới thúng nơi đây. Ông Bình vẫn cho mình còn may, chứ nhiều người đã tử nạn khi gặp sóng to, gió lớn do mưa bão, mất cả người lẫn tài sản. Sau hoạn nạn, họ gom góp, vay mượn làm lại từ đầu trong nỗi xót xa đến nghẹn lòng.
Để giảm bớt những hiểm nguy khi đi biển, ngư dân đã lập thành nhóm, tổ, đội đoàn kết hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Ngày thường sóng yên biển lặng thì tự ai nấy làm, lúc gặp luồng cá to thì có thể điện thoại cho nhau chia sẻ cùng đánh bắt. Nhưng khi gặp thời tiết bất lợi, chuyển gió, mưa lớn thì các đò, thúng trong nhóm, tổ sẽ đi biển gần nhau, để khi gặp chuyện không may có thể kịp thời cứu giúp.
Bên cạnh đó, ngư dân cũng bắt đầu mua sắm, đầu tư máy móc hiện đại cho xuồng, thúng. Ngư dân Nguyễn Văn Thuận (ở TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ) cho hay, ngoài máy điện đàm là thiết bị bắt buộc phải có để liên lạc nhau, ông Thuận còn sắm thêm máy định vị, rồi máy tầm ngư để tránh đá ngầm và tìm luồng cá dễ dàng hơn. Máy điện đàm hiện có giá 1,2 triệu đồng, máy định vị khoảng 6-7 triệu đồng, máy tầm ngư quét tầm ngắn thì từ 12-15 triệu đồng.
“Trước kia đi biển còn dựa vào kinh nghiệm, giờ cá ít dần, không có máy tầm ngư hỗ trợ là thua, không đánh bắt được bao nhiêu nên giờ thúng, đò nào cũng đầu tư đầy đủ hết”, ông Thuận cho biết.
“Chúng tôi vẫn nương tựa biển mà sống. Biển nuôi sống những người con của mình, ngư dân chúng tôi vẫn nhắn nhủ nhau tránh tận diệt cá con, bảo vệ nguồn lợi và giữ gìn vệ sinh môi trường biển để có thể bám biển dài ngày hơn”.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (KP.Hải Phong 1, TT.Long Hải)
|
Nghề lưới thúng thường đánh bắt các loại cá như: phèn, nục, bạc má, trích, đù, sóc, ngao, nhồng, chét... bơi lượn kiếm mồi ở vùng biển gần bờ. Cá vừa vớt lên từ biển đem vào bờ, đến tận chợ còn tươi rói và chưa ướp qua đá lạnh. Nhiều con còn tung quẩy, lóng lánh ánh bạc rất tươi ngon nên giá bán thường cao hơn các loại cá đánh bắt xa bờ, dài ngày.
Chính vì thế, cá đánh bắt từ nghề lưới thúng luôn được người dân trong vùng ưa chuộng. “Cá tươi vừa mới đánh bắt nên chế biến món ăn ngon lắm! Thịt cá ngọt và thơm hơn hẳn cá đánh bắt ở những vùng biển xa ướp đá dài ngày nên dù mắc hơn vài chục ngàn/kg tôi vẫn thích mua”, bà Trần Thị Thương, người dân đang mua cá ở chợ Phước Hải cho biết.
Vất vả và mạo hiểm kiếm sống trên biển để đổi lấy thành quả. Dù nghề biển bây giờ đã gặp nhiều khó khăn, không dễ kiếm ăn như xưa nhưng những người con xứ biển vẫn yêu biển, kiên trì bám biển ngày này qua ngày khác, từ đời này qua đời con, cháu...
Thúng, đò tấp nập vào bờ ở vùng biển TT.Long Hải, huyện Long Điền. |
Bài, ảnh: NGUYÊN MINH