.

Nâng cao chất lượng xe buýt

Cập nhật: 19:09, 01/08/2023 (GMT+7)

Hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại hàng ngày. Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động của loại hình phương tiện này thời gian qua còn bộc lộ không ít bất cập.

Nâng cao chất lượng xe buýt để bảo đảm phục vụ hành khách tốt hơn là mục tiêu mà ngành giao thông vận tải đang hướng tới. Trong ảnh: Hành khách đi xe buýt tuyến Vũng Tàu-Xuyên Mộc.
Nâng cao chất lượng xe buýt để bảo đảm phục vụ hành khách tốt hơn là mục tiêu mà ngành giao thông vận tải đang hướng tới. Trong ảnh: Hành khách đi xe buýt tuyến Vũng Tàu-Xuyên Mộc.

Chất lượng chưa cao

Lãnh đạo Phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GT-VT) cho biết, những năm qua, tỉnh dành nhiều ưu tiên đầu tư cho vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là xe buýt. Điển hình, hệ thống nhà chờ, biển báo, vạch sơn điểm dừng xe buýt được đầu tư mới, sửa chữa định kỳ bảo đảm chất lượng, phục vụ cho hoạt động vận tải bằng xe buýt. Các điểm dừng xe buýt được bố trí thuận tiện cho người dân, kết nối với những phương thức vận tải khác qua bến xe, khu dân cư, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đỗ Hải Thuận, Phó Giám đốc Sở GT-VT, bên cạnh những điểm sáng nêu trên, hoạt động vận tải bằng xe buýt chưa thực sự đi vào chiều sâu, chất lượng phương tiện chưa bảo đảm. Trong đó, còn nhiều phương tiện niên hạn sử dụng hơn 10 năm, cũ kỹ, xuống cấp, chế độ giảm xóc kém. Nhiều xe buýt không sử dụng máy lạnh, gây nóng bức, khó chịu cho hành khách.

Chưa kể, tình trạng chèn ép khách vào giờ cao điểm, dừng đón trả khách không đúng nơi quy định thường xuyên xảy ra… gây mệt mỏi, phiền hà cho người dân. “Đây là nguyên nhân chính khiến hoạt động vận tải bằng xe buýt chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia, dẫn đến việc triển khai các tuyến xe buýt trong quy hoạch để đưa vào khai thác thời gian tới gặp nhiều khó khăn ”, ông Nguyễn Đỗ Hải Thuận nói.

Hoạt động kinh doanh xe buýt trên địa bàn BR-VT hình thành từ năm 2007. Hiện nay, toàn tỉnh có 7 tuyến xe buýt hoạt động với tổng chiều dài các tuyến là 476km. Trong đó, có 3 tuyến nội tỉnh và 4 tuyến liên tỉnh, 3 tuyến kết nối với tỉnh Đồng Nai và 1 tuyến kết nối với tỉnh Bình Thuận. Hiện, có 8 đơn vị vận tải tham gia khai thác các tuyến xe buýt với 125 xe.

 

Thay đổi hình thức hoạt động xe buýt

Không thể phủ nhận vai trò của xe buýt trong vận tải khách công cộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Do đó, việc phát triển và nâng cao chất lượng xe buýt, phù hợp nhu cầu đi lại của người dân là mục tiêu của tỉnh trong các giai đoạn tiếp theo.

Ông Nguyễn Đỗ Hải Thuận cho biết, theo quy định hiện hành, có 2 hình thức quản lý hoạt động vận tải xe buýt, gồm: tổ chức đấu thầu và đặt hàng khai thác tuyến xe buýt trong danh mục mạng lưới tuyến. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đang áp dụng hình thức đặt hàng khai thác tuyến xe buýt. Ưu điểm của hình thức này là thời gian thực hiện ngắn hơn, có ngay đơn vị tham gia, tạo sự ổn định, an tâm cho DN, nhất là DN đầu tư xe mới trong quá trình trả lãi vay cho ngân hàng. Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức này là các đơn vị được giao đã thực hiện lâu năm, do đó không thu hút được những thành phần kinh tế tham gia phát triển mạng lưới xe buýt. Đồng thời, chưa khuyến khích được DN yên tâm nâng cao chất lượng xe, thiết bị phục vụ khách hàng.

Do đó, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải bằng xe buýt, Sở GT-VT đã đề nghị UBND tỉnh chấp thuận cho phép Sở phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đấu thầu khai thác các tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2022-2025 dự kiến 8 tuyến xe buýt, từ 2025 đến 2030 là 19 tuyến.

Về nguồn vốn thì xã hội hóa theo hình thức đấu thầu quyền khai thác tuyến vận tải xe buýt, cung cấp dịch vụ theo hình thức đặt hàng của nhà nước. Đơn vị trúng thầu tự đầu tư phương tiện khai thác, tự trang trải chi phí. Nhà nước không bố trí nguồn vốn và DN được hưởng chính sách ưu đãi của tỉnh (nếu có). Đề xuất này đã được UBND tỉnh chấp thuận. Hiện, Sở GT-VT đang thực hiện kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu khai thác 8 tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ nay đến 2025. Để tham gia đấu thầu, điều kiện đầu tiên là DN phải làm về lĩnh vực vận tải, đồng thời bảo đảm tiêu chuẩn theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ.

Ông Nguyễn Đỗ Hải Thuận thông tin thêm, hình thức đấu thầu các tuyến vận tải xe buýt là áp dụng cơ chế thị trường để chọn DN có năng lực nhất cung cấp dịch vụ này, phát huy tính cạnh tranh trong hoạt động vận tải, tạo cơ chế cạnh tranh sòng phẳng, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Thông qua đấu thầu, cơ quan chức năng sẽ lựa chọn đơn vị có năng lực, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách với giá vé phù hợp. Trên cơ sở đó, DN chủ động xây dựng kế hoạch, tính toán doanh thu và lợi nhuận để an tâm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

 
.
.
.