Nhà vườn bạc tỷ - Mô hình hay ở Xuyên Mộc
Trong giai đoạn huyện Xuyên Mộc xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới (2020-2025), Hội làm vườn huyện đã tích cực thi đua lao động sản xuất, trong đó có việc giúp nông dân phát triển kinh tế.
Trại nuôi lươn giống (loại lươn không bùn) của ông Nguyễn Duy Tân ( ấp 3, xã Hòa Hội). |
Nhằm động viên, khuyến khích hội viên, nông dân hăng hái thi đua, lao động sản xuất, trong những năm qua, Hội làm vườn huyện Xuyên Mộc đã phát động phong trào “Nhà vườn bạc tỷ”. Đây là một trong những phong trào thiết thực, giúp nông dân tận dụng mọi khả năng đất đai, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo.
Xã Hòa Hội là địa phương điển hình trong việc phát huy hiệu quả của Chi hội làm vườn. Trong đó có thể kể đến mô hình “Nhà vườn bạc tỷ” của ông Trần Lộc ngụ ấp 5, trang trại tiền tỷ về nhân giống - nuôi lươn không bùn của ông Nguyễn Duy Tân hay mô hình trồng tiêu theo phương pháp hữu cơ của Chi hội làm vườn xã…
Giai đoạn 2023-2028, Hội làm vườn huyện Xuyên Mộc đặt mục tiêu vận động 100% hội viên tham gia mô hình kinh tế hợp tác và xây dựng sản phẩm OCOP cho các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương; phấn đấu 30-40% hộ hội viên đạt danh hiệu “Nhà vườn bạc tỷ” có thu nhập cao, ổn định đời sống; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm thông qua kênh truyền hình, thương mại điện tử.
|
Đến trang trại của ông Nguyễn Duy Tân (ấp 3, xã Hòa Hội), chúng tôi được giới thiệu tỉ mỉ từng quy trình nuôi lươn không bùn từ giai đoạn ấp trứng đến khi bán. Từ năm 2020 đến nay, ông Tân mở rộng quy mô ra 2 cơ sở với tổng diện tích hơn 4.500 m2. Dẫn PV đến cơ sở 2 (diện tích khoảng 3.000m2), ông Tân cho biết, tại đây được xây dựng 104 bể xi măng với sức chứa khoảng 2.500 con giống/bể. Dù chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng việc thu hồi vốn tương đối nhanh vì nguồn tiêu thụ tốt, giá cao và thời gian chăm sóc chỉ 10 tháng.
Với cách tính toán của ông Tân, sau 10 tháng chăm sóc, lươn đạt trọng lương trung bình từ 2-3 gram/con. Mức hao hụt trong quá trình chăm sóc thấp (chỉ khoảng 4-5%) do quá trình kiểm soát tốt nguồn nước và thức ăn. Như vậy mỗi bể xi măng sẽ cho ra khoảng 5 tạ lươn không bùn.
“Ngày trước giá lên đến 180.000 đồng/kg, còn hiện nay giá dao động khoảng 110.000 đồng/kg. Nếu trừ hết các chi phí, lãi khoảng 7.000 đồng/con, mùa vừa qua tôi nuôi lươn và lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng”.
Không chỉ phát triển lươn thương phẩm, ông Tân còn đầu tư thêm máy móc để chủ động sản xuất con giống kết hợp nhận tiêu thụ lươn cho các hộ nuôi lươn không bùn cho một số hộ trên địa bàn. Đây là những giải pháp trước mắt nhằm ổn định đầu ra cho bà con, cũng như cung cấp con giống trực tiếp tại địa phương.
Huyện Xuyên Mộc hiện có 13 Chi Hội làm vườn tại các xã, thị trấn với 455 hội viên. Tổng số diện tích canh tác đất nông nghiệp của hội hiện nay khoảng 800ha, trong đó có 546ha đất chuyên canh nhãn, thanh long, tiêu, điều. Ngoài tập trung sản xuất nông nghiệp, Hội còn là nơi trao đổi kiến thức, kinh nghiệm làm vườn hiệu quả cũng như kết nối nguồn tiêu thụ nông sản. |
Ngoài trường hợp trên, đến nay, toàn huyện có 26 mô hình điển hình “Nhà vườn bạc tỷ” trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tại các xã: Hoà Hiệp, Bàu Lâm, Xuyên Mộc, Hòa Hội và xã Tân Lâm. Ngoài ra, một số hộ hội viên còn phát huy hiệu quả sản phẩm của gia đình như: sản xuất chế biến hạt tiêu của hộ ông Lâm Ngọc Nhâm (xã Hòa Hiệp); nuôi nai lấy nhung của hộ ông Lâm Quang Long (xã Bình Châu).
Ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, thời gian qua huyện đã có nhiều bứt phá về sản xuất nông nghiệp, trong đó đáng chú ý là huyện có 20 sản phẩm OCOP từ 3-4 sao, đây là minh chứng cho sự nỗ lực của nông dân.
“Hiện nay nông nghiệp vẫn còn một số hạn chế về chất lượng, thị trường. Thời gian tới, các sản phẩm nông nghiệp cần liên kết, phục vụ du lịch tại địa phương để quảng bá hình ảnh, do đó vai trò của Hội làm vườn là rất lớn”, ông Nguyễn Hữu Lộc nói.
Ông Thái Văn Dũng, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh đánh giá cao vai trò của Hội Làm vườn huyện Xuyên Mộc trong thời gian qua. Đồng thời cho rằng huyện Xuyên Mộc có lợi thế về nông nghiệp và diện tích canh tác, do đó trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giúp nông dân làm kinh tế, đặc biệt là gây quỹ tại cơ sở để hội viên giúp đỡ nhau.
Bài, ảnh: TRẦN TIẾN