.

Lợi kép nhờ mô hình chăn nuôi sạch

Cập nhật: 19:13, 24/08/2023 (GMT+7)

Bằng việc áp dụng mô hình chăn nuôi đệm lót sinh học, vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi đã được xử lý.

Phần đệm lót sinh học trong chăn nuôi sau khi không còn sử dụng được chuyển sang làm phân bón hữu cơ đã góp phần bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Phân hữu cơ được sản xuất từ đệm lót sinh học của trang trại heo Trang Linh, huyện Xuyên Mộc.
Phần đệm lót sinh học trong chăn nuôi sau khi không còn sử dụng được chuyển sang làm phân bón hữu cơ đã góp phần bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Phân hữu cơ được sản xuất từ đệm lót sinh học của trang trại heo Trang Linh, huyện Xuyên Mộc.

Hạn chế mùi hôi

Trước đây, dù đã đầu tư chuồng trại thông thoáng, thu dọn phân bò hàng ngày, nhưng chuồng nuôi bò nhà ông Trần Anh Hùng, ở ấp Hội Mỹ, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ vẫn còn mùi hôi. Sau khi tìm hiểu qua sách báo, mạng Internet và các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi bò, từ tháng 5/2023, ông Hùng đầu tư 145 triệu đồng để chuyển sang mô hình chăn nuôi bò sinh sản trên nền đệm lót sinh học.

Đệm lót sinh học cho bò được ông Hùng làm bằng trấu, mùn cưa và men, có độ dày 15-20cm. Sau thời gian sử dụng, khi đệm hơi ướt thì bổ sung thêm trấu và men. Đến khi đệm dày khoảng 60cm, ông thay thế nền đệm và tận dụng đệm cũ làm phân bón vi sinh cho cây trồng. Việc sử dụng đệm lót sinh học đã giúp ông Hùng tiết kiệm được tiền điện, nước, giảm công sức dọn dẹp chuồng. Mùi hôi do chất thải từ đàn bò được xử lý triệt để.

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, các địa phương đang khuyến khích người dân đầu tư chuyển đổi quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ sang trang trại, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Mô hình chăn nuôi heo của Công ty TNHH Trang Linh, ở xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc là ví dụ điển hình.

Trên diện tích 70ha, trang trại đang nuôi hơn 38.000 con heo, trong đó hơn 90% heo thịt và gần 10% heo nái bằng đệm lót sinh học, khép kín trong chuồng lạnh, máng ăn, nước uống hoàn toàn tự động. Để xử lý chất thải từ phân heo sau mỗi lứa nuôi, công ty xây dựng nhà máy chuyên sản xuất phân hữu cơ vi sinh, phục vụ trồng rau sạch trong khu vực nhà lưới của công ty và cung cấp ra thị trường. Nhờ áp dụng quy trình tuần hoàn này, DN đã giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, đồng thời có thêm nguồn thu nhập từ việc bán phân hữu cơ cho cây trồng.

Ông Phạm Trường Giang, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Trang Linh cho biết, trong quá trình chăn nuôi, chất thải hoàn toàn được xử lý trong vòng 24 giờ và được xử lý triệt để. Việc làm này giúp tăng giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp và tiết kiệm được chi phí mua phân bón trong trồng trọt.

Hướng tới chăn nuôi bền vững

Những năm gần đây, các địa phương, hộ chăn nuôi đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất như: xây dựng quy hoạch chăn nuôi, thực hiện các dự án, đề án, mô hình phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAP. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 2.700 trang trại, cơ sở chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải, nước thải; xử lý chất thải bằng biogas, đệm lót sinh học…

Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường mới chỉ đẩy mạnh ở các trang trại lớn, trong khi đó ở chăn nuôi nông hộ và gia trại nhỏ lẻ vẫn còn ít. Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, các địa phương đã xây dựng quy hoạch vùng chăn nuôi. Đồng thời hỗ trợ hộ nuôi, chủ thể ứng dụng công nghệ hiện đại trong chăn nuôi vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa tạo ra sản phẩm chăn nuôi sạch, chất lượng cao. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng chú trọng việc di dời trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đồng thời tuyên truyền cho trang trại, hộ chăn nuôi nâng cao ý thức bảo vệ môi trường để phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.