Kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang từng bước giải quyết các vấn đề còn tồn tại và thách thức về môi trường, năng lượng, tạo sự đột phá giúp Côn Đảo phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Du khách tham quan Côn Đảo bằng xe buýt điện. |
Nâng cao ý thức người dân, du khách về bảo vệ môi trường
Theo thống kê của UBND huyện Côn Đảo, hiện nay rác thải sinh hoạt và du lịch trên đảo ước tính khoảng 25 tấn/ngày (trong đó lượng rác nhựa chiếm gần 2 tấn) trong khi công suất xử lý của nhà máy xử lý rác thải hiện hữu chỉ khoảng 10 tấn/ngày, đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan, sức khỏe của người dân và du khách.
Chính vì thế, KTTH đã được UBND tỉnh chọn là giải pháp để phát huy các thế mạnh cũng như giải quyết các thách thức của Côn Đảo, đặt trọng tâm vào mối quan hệ hài hòa giữa môi trường sinh thái, công bằng xã hội và phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, Sở KH-CN được UBND tỉnh giao nhiệm vụ xây dựng đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình KTTH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2021 – 2026, định hướng đến 2030”.
Ông Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển KTTH (Đại học Quốc gia TP.HCM), đơn vị đảm nhiệm tư vấn đề án cho biết, một trong những giải pháp quan trọng của đề án là xây dựng một hệ thống quản lý rác thải sinh hoạt và du lịch theo nguyên tắc KTTH. Theo đó, rác thải sẽ được phân loại ngay từ nguồn, thu gom và vận chuyển đến các cơ sở xử lý. Tại đây, rác thải sẽ được tái chế, tái sử dụng hoặc chuyển hóa thành năng lượng, phân bón. Những sản phẩm từ rác thải sẽ được sử dụng lại cho các hoạt động sản xuất, trong ngành nông nghiệp (làm phân bón) và sinh hoạt của Côn Đảo, giúp giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp và tiết kiệm nguồn lực.
Theo ông Huỳnh Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, Côn Đảo đã tổ chức tuyên truyền ý thức giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường và phát động phong trào thu gom, phân loại, tái chế, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa tại nguồn trong dân và tại các địa điểm du lịch. Nhờ đó, ý thức giữ vệ sinh chung của người dân và du khách được cải thiện rõ rệt.
Ông Nguyễn Văn Tấn (SN 1977), du khách đến từ TP.HCM cho biết, trong năm qua gia đình đã 2 lần đến Côn Đảo du lịch. “Chúng tôi thích sự yên bình và cảnh đẹp nơi đây. Đặc biệt ấn tượng với việc chính quyền và người dân Côn Đảo rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, từng nhìn thấy nhiều người dân, học sinh trên đảo tham gia nhặt rác trên bãi biển. Hay việc tuyên truyền vận động du khách không mang rác thải nhựa khi đến đảo, chương trình “Đổi rác lấy quà”... khiến chúng tôi khá thích thú”, ông Tấn nói.
Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo” giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt ngày 16/3/2023 theo Quyết định số 495/QĐ-UBND. Đề án hướng đến năm 2030 đạt được tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Côn Đảo đạt 50%, 100% rác thải hữu cơ; tỉ lệ thu gom và xử lý nước mưa phục vụ sinh hoạt đạt 10%, tăng diện tích trồng và phục hồi rạn san hô lên 6 - 7ha. Phấn đấu đạt 100% xe vận tải hành khách thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 30%. |
KTTH trên mọi lĩnh vực
Ông Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển KTTH, cho biết các giải pháp KTTH phải gắn với các mô hình kinh doanh để tăng tính khả thi cho đề án và thu hút được nhiều sự quan tâm đầu tư của các thành phần xã hội. Chẳng hạn, đề án xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón có thể cung cấp ngược lại cho ngành nông nghiệp. Hay rác thải nhựa qua xử lý có thể tái sử dụng làm thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tranh 3D làm quà lưu niệm phục vụ du khách…
Tương tự giải pháp tuần hoàn nước, Côn Đảo có thể kêu gọi các DN đầu tư cho dự án xử lý nước thải, tái sử dụng cho tưới tiêu, các dự án xây dựng hệ thống trữ, thu gom nước mưa cho cộng đồng…
Ông Huỳnh Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, huyện đang hoàn thành dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung (giai đoạn 1 có công suất xử lý 1.000 m3/ngày đêm) bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng nước đầu ra có thể phục vụ cho tuần hoàn tưới tiêu trong nông nghiệp (giai đoạn 2 đến năm 2030 sẽ đạt công suất xử lý 3.500 m3/ngày đêm).
Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ đầu tư (bằng ngân sách nhà nước và xã hội hóa) xây dựng hệ thống thu gom nước thải tập trung từ các hộ gia đình, các khu dân cư; hệ thống thu gom nước mưa cho các điểm cộng đồng trên các đảo nhỏ phục vụ nước uống và hoạt động du lịch, công suất 500l/ngày/đảo. Xây dựng hệ thống cấp nước liên kết cho đảo chính, quy mô công suất dự kiến khoảng 200 m3/ngày đêm; các hồ chứa nước mới trên các triền núi nhằm lưu trữ nước nước ngọt và cung cấp nước ngầm; hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt quy mô công suất 15m3/; triển khai lắp đặt các thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước hoặc không dùng nước cho một số địa điểm cộng đồng….
Ngoài ra, đề án cũng đề xuất các giải pháp khác để phát triển KTTH cho các lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, công nghiệp và dịch vụ. Cụ thể, xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, kết hợp với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và thiên nhiên của Côn Đảo; khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió; phát triển kinh tế chia sẻ, kết nối các DN và người dân trong việc cung ứng và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ.
Bài, ảnh: NGUYÊN MINH