Kiến tạo môi trường sống trong lành - Kỳ 1: Chất lượng môi trường ngày càng nâng cao

Thứ Năm, 10/08/2023, 19:14 [GMT+7]
In bài này
.

Thực hiện chuyên đề giám sát thực thi pháp luật về BVMT, Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực mà chính quyền và nhân dân tỉnh đã làm để kiến tạo môi trường sống ngày càng chất lượng hơn cho người dân.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội đánh giá cao công tác thực thi pháp luật BVMT mà tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã làm trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội đánh giá cao công tác thực thi pháp luật BVMT mà tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã làm trong thời gian qua.

Đầu tư lớn cho bảo vệ môi trường

Nhà máy xử lý nước thải Rạch Bà và các trạm bơm là nơi tiếp nhận và xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn TP.Vũng Tàu. Nhà máy có diện tích 4,6ha, không gian xanh, thoáng mát, hệ thống tiếp nhận và vận hành được thực hiện tự động.

Ông Phạm Đức Quý, Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) cho biết, nhà máy đưa vào sử dụng từ năm 2016 với công suất 22.000m3/ngày đêm. Đến nay, nhà máy đã hoạt động 93-95% công suất thiết kế. Năm 2019, Bộ TN-MT cấp giấy phép cho phép Công ty CP Khoa học - Công nghệ Việt Nam (Busadco) xả thải vào nguồn nước từ nhà máy xử lý nước thải Rạch Bà đạt cột B QCVN 14:2008/BTNMT ra sông Dinh. “Sắp tới, nhà máy sẽ nâng cấp mức xử lý nước thải đạt cột A mới thải ra môi trường”, ông Quý thông tin thêm.

Đoàn giám sát tham quan Nhà máy xử lý nước thải Rạch Bà và các trạm bơm TP.Vũng Tàu.
Đoàn giám sát tham quan Nhà máy xử lý nước thải Rạch Bà và các trạm bơm TP.Vũng Tàu.

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, những năm qua công tác BVMT trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, thực hiện. Theo đó, tỉnh hiện có 8 dự án thu gom, xử lý nước thải đô thị với công suất khoảng 120.550 m3/ngày. Các dự án được triển khai bằng nguồn vốn ODA và nguồn vốn ngân sách của tỉnh với tổng mức đầu tư khoảng 5.645,87 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhằm giám sát chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh và có cảnh báo kịp thời, tính đến năm 2022, UBND tỉnh đã đầu tư và đưa vào hoạt động 6 trạm quan trắc tự động (QTTĐ) liên tục nước mặt và 3 trạm QTTĐ liên tục không khí, tập trung khu vực đông dân cư.

Trung tâm Quan trắc TN-MT (thuộc Sở TN-MT) được giao bảo quản, vận hành các trạm hiệu quả, đúng mục đích và cung cấp dữ liệu QTTĐ định kỳ và đột xuất để phục vụ công tác quản lý Nhà nước về BVMT. Ngoài ra, hệ thống cảnh báo môi trường còn thực hiện qua việc vận hành Trung tâm tích hợp dữ liệu QTTĐ của tỉnh. Năm 2022, Trung tâm Quan trắc TN-MT được giao tiếp tục thực hiện chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh với các thành phần môi trường không khí, nước sông, nước hồ, nước biển ven bờ, nước dưới đất, đất, trầm tích, thủy sinh tại 252 vị trí.

KCN Phú Mỹ 1 trồng nhiều cây xanh để bảo vệ môi trường trong KCN.
KCN Phú Mỹ 1 trồng nhiều cây xanh để bảo vệ môi trường trong KCN.

Ông Hải cũng khẳng định, thời gian qua, tỉnh đã kiểm soát chặt chẽ nước thải công nghiệp phát sinh từ các KCN-CCN bằng việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung và QTTĐ. Đến nay, toàn tỉnh có 15 KCN được thành lập với tổng diện tích 8.510ha. Trong đó, 13 KCN đã đi vào hoạt động chính thức, đều được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải theo quy định. 8/8 cơ sở trong KCN thuộc đối tượng phải đầu tư, lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và đã truyền dữ liệu về Trung tâm tiếp nhận của tỉnh.

Ngoài ra, hầu hết các DN có phát sinh khí thải đều đầu tư hệ thống xử lý, bảo đảm khí thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Một số DN có lưu lượng phát thải lớn và thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động đã đầu tư, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền số liệu về Trung tâm tiếp nhận của tỉnh. Về công tác quản lý chất thải công nghiệp thông thường, chất thải sinh hoạt, đa số các DN trong KCN thu gom, phân loại lưu giữ trong thùng, kho và ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý theo quy định.

Ưu tiên dự án bảo vệ môi trường

Khu vực Bãi Trước (TP.Vũng Tàu), buổi chiều có khá đông người dân, khách du lịch đến vui chơi tập thể dục và tắm biển. Ngay phía trước Công viên Bãi Trước, Sở TN-MT lắp đặt một màn hình led kích thước 20m2 hiển thị thông tin về môi trường, kèm theo đó là các khuyến nghị, cảnh báo mức tác động tới sức khỏe.

Cụ thể, màn hình xuất hiện gương mặt với 3 trạng thái: tốt, bình thường, méo, kết hợp màu sắc theo bảng hướng dẫn để thể hiện chỉ số chất lượng môi trường xung quanh (AQI). Từ chỉ số AQI, cơ quan chức năng đưa ra khuyến cáo cho người dân với 6 mức cảnh báo: tốt (xanh), trung bình (vàng), kém (da cam), xấu (đỏ), rất xấu (tím) và nguy hại (nâu).

Để người dân chủ động hơn trong việc theo dõi thường xuyên chất lượng môi trường, đồng thời phục vụ các hoạt động quản lý BVMT trên địa bàn tỉnh, từ năm 2020 đến nay, Sở TN-MT đã lắp đặt, hoàn thiện và đưa vào vận hành các màn hình led công bố thông tin môi trường tại các điểm công cộng và tại các khu vực quản lý của sở. Đến nay, Sở TN-MT đã lắp đặt màn hình led công bố thông tin môi trường tại 6 vị trí.

“Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung và TP.Vũng Tàu nói riêng có môi trường sống trong lành, ít khi xảy ra các sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Từ năm 2020 đến nay, cơ quan chức năng duy trì việc công bố chỉ số môi trường trên bảng màn hình led hàng ngày tại các huyện, thị, thành phố một cách minh bạch, thiết thực, giúp người dân biết được những thông tin về môi trường nơi mình đang sống”, ông Vũ Văn Dũng (phường 1, TP.Vũng Tàu) chia sẻ.

2 năm liền (2020 và 2021), Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trong top 5 tỉnh, thành phố được Bộ TN-MT đánh giá có bộ chỉ số môi trường tốt nhất cả nước. Năm 2021 (năm 2022 chưa công bố), tỉnh đạt 78,79 điểm, xếp vị trí thứ hai cả nước, sau TP.Đà Nẵng (79,82 điểm).

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội khẳng định, bộ chỉ số đánh giá kết quả BVMT hàng năm phản ánh một cách khách quan dựa trên các bộ tiêu chí đánh giá chung và các chỉ số thành phần mà Bộ TN-MT đề ra. Năm 2021 Bà Rịa-Vũng Tàu từ top 5 vươn lên xếp vị trí thứ hai cả nước, thể hiện nỗ lực của chính quyền, người dân và DN trong công tác BVMT nhiều năm qua.

Ông Đặng Sơn Hải thông tin thêm, để đạt được kết quả trên, ngoài việc minh bạch thông tin về môi trường cho người dân, Sở TN-MT cũng phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp về BVMT. Trong đó, Sở TN-MT đã tăng cường rà soát, tham mưu điều chỉnh, ban hành các thủ tục hành chính về môi trường theo hướng cụ thể hóa quy trình, thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện hồ sơ, thủ tục về môi trường; chủ động phối hợp với sở, ngành tham mưu sàng lọc, ưu tiên lựa chọn dự án bảo vệ môi trường.

Đồng thời, tổ chức thẩm định hồ sơ, thủ tục về môi trường một cách chặt chẽ, chính xác, có hiệu quả; tăng cường thanh, kiểm tra sau khi dự án đi vào hoạt động, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường; tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về BVMT cho cơ sở sản xuất công nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng KCN trên địa bàn tỉnh.

Sở TN-MT cũng tăng cường phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ giám sát cộng đồng trong việc phát hiện việc xả thải không đúng quy định của DN, kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm; rà soát tình hình tiếp nhận, xử lý dữ liệu quan trắc tự động. Trung tâm Quan trắc TN-MT tỉnh cũng đã phát hiện kịp thời hành vi xả thải trái quy định, sự cố môi trường xảy ra trong thời gian qua.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.