Doanh nghiệp xây dựng và bất động sản tìm hướng đi riêng

Chủ Nhật, 27/08/2023, 19:46 [GMT+7]
In bài này
.

Năm 2022-2023, thị trường bất động sản (BĐS) gần như đóng băng, ngành xây dựng vì thế cũng trầm lắng theo. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các DN phải tìm hướng đi riêng, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, lực lượng lao động.

Dự án Chí Linh Center (tên thương mại mới là Vũng Tàu Centre Point) đã được cấp giấy phép bán hàng, DIC Holdings sẽ đẩy mạnh phân phối sản phẩm ra thị trường, tiếp tục hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan.
Dự án Chí Linh Center (tên thương mại mới là Vũng Tàu Centre Point) đã được cấp giấy phép bán hàng, DIC Holdings sẽ đẩy mạnh phân phối sản phẩm ra thị trường, tiếp tục hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan.

DN XÂY DỰNG - BĐS “ĐUỐI SỨC”

Trong báo cáo vừa được công bố, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, hiện tại các DN đầu tư, phát triển BĐS đồng loạt lâm vào trạng thái đuối sức. Mặc dù đã cố gắng loại bỏ dần các yếu tố làm giảm sức nặng nhưng vẫn không đủ sức để có thể vực dậy. Trước những khó khăn trên, từ đầu năm 2022, Chính phủ đã tạo ra những “chiếc phao” để cứu thị trường và DN. Tuy nhiên, một số chính sách vẫn cần có thêm thời gian để đến được với DN.

Cổ phiếu Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) từng “làm mưa làm gió” trong năm 2021 thì từ năm 2022 đến nay lại ghi nhận doanh thu đạt 1.908,73 tỷ đồng, giảm 25,7% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 144,39 tỷ đồng, giảm 84,8%. Ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC Corp nhận định, năm 2023, tình hình sẽ còn nhiều khó khăn, nên ưu tiên của Công ty vẫn là xử lý nợ trái phiếu. Mới đây, HĐQT DIC Corp đã thông qua việc mua lại trước hạn toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của lô IGH2124001. Nguồn thực hiện được lấy từ nguồn hoạt động sản xuất kinh doanh và nguồn thu khác. Trước đó, vào ngày 10/11/2022, Công ty cũng đã tiến hành mua lại 1.600 tỷ đồng trái phiếu thuộc 2 lô DIGH2124002 và DIGH2123003.

Những ông lớn của ngành BĐS như Tập đoàn Novaland cũng thừa nhận “đuối sức” trong giai đoạn này. Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt, Chủ đầu tư dự án Novaland Hồ Tràm cho hay, lúc khó khăn nhất, Chủ tịch HĐQT công ty đã chấp nhận bán tài sản cá nhân 300 tỷ đồng với giá 200 tỷ đồng để có được dòng tiền hỗ trợ công ty. Ngoài ra, công ty cũng chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp để trả nợ trái phiếu.

Trong tâm bão của cuộc khủng hoảng, nhiều DN BĐS đã bán dự án, chuyển nhượng cổ phần, liên doanh liên kết, phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ, giãn hoặc hoãn nợ, thanh toán trước kỳ hạn các khoản trái phiếu, cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô để tự cứu mình bằng mọi cách có thể, nhưng khó khăn vẫn còn chồng chất.

BĐS đóng băng kéo theo ngành xây dựng cũng lâm vào tình trạng khó khăn. Công ty CP xây dựng DIC Holding cho biết, bên cạnh những công trình thi công thuận lợi thì một số công trình gặp khó khăn vướng mắc từ việc thu xếp nguồn vốn của chủ đầu tư dẫn đến chậm tiến độ, thậm chí ngừng thi công như: Công trình 46 căn nhà thương mại liền kề - Khu dân cư An Sương; công trình 138 căn Shophouse - dự án Laimian Quy Nhơn; công trình đường N7 và N9 - Khu đô thị 5 sao Long An và Khu Biệt thự Five Star Happy Valley Đà Lạt…

Ông Đoàn Hữu Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HODECO) cũng thừa nhận, việc phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề từ quỹ đất, nguồn vốn, pháp lý… khiến diễn biến thị trường BĐS không tươi sáng như mong đợi. Một số đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 của TP.Vũng Tàu đến nay vẫn chưa được phê duyệt khiến việc triển khai và đưa dự án vào kinh doanh trong năm của công ty gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, từ nay đến cuối năm 2023, Hiệp hội sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động xây dựng, đấu thầu như: hợp đồng và tranh chấp hợp đồng xây dựng; bù giá và thanh toán hợp đồng; kiến nghị với nhà nước xây dựng cơ chế bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư và giải quyết nợ đọng trong xây dựng; cơ chế bảo hành và quyết toán hợp đồng…
Đồng thời, Hiệp hội tiếp tục hỗ trợ các DN hội viên những vấn đề vướng mắc bất cập có liên quan đến định mức, đơn giá; phối hợp với Bộ Xây dựng để cuối năm 2023 ban hành áp dụng lập đơn giá thanh toán; kiến nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh cơ chế xác định đơn giá tiền lương, giá ca máy mới phù hợp, cơ chế công bố giá vật liệu sát thị trường.

TÌM HƯỚNG ĐI RIÊNG

Để tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, ngày 27/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Công điện 469/CĐ-TTg, trong đó yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải coi đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc: vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết.

Tuy nhiên, trong khi chờ “khơi thông”, các DN đang phải nỗ lực hết mình để tự cứu mình. Cụ thể, nhiều DN BĐS và xây dựng phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý; trong đó, phần lớn DN phải tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động... Thậm chí, nhiều DN dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn. Có DN giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.

Ông Lê Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT DIC Holdings cho biết, trước những diễn biến phức tạp của thị trường, mục tiêu trọng điểm của DIC Holdings trong năm 2023 là bảo đảm an toàn tài chính để vượt qua giai đoạn khó khăn thách thức, đặt mục tiêu tăng trưởng phù hợp với thực trạng của nền kinh tế và DN. Theo đó, để việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2023 hiệu quả, Công ty có các giải pháp cụ thể cho từng công tác.

Cụ thể, công ty tiếp tục mở rộng tìm kiếm các nguồn công việc cho năm 2023, trong đó trúng thầu thêm 3 công trình mới và triển khai ngay với giá trị 548 tỷ đồng. Về đầu tư kinh doanh BĐS, dự án Chí Linh Center (tên thương mại mới là Vũng Tàu Centre Point) đã được cấp giấy phép bán hàng thì sẽ đẩy mạnh phân phối sản phẩm ra thị trường, tiếp tục hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan.

Trong khi đó, HODECO cũng cho biết, trước những khó khăn như trên, năm 2023 công ty phải tập trung vào các dự án trọng điểm như dự án khu nhà ở Hải Đăng - The Light City; dự án khu biệt thự Đồi Ngọc Tước II; dự án khu du lịch Đại Dương; dự án khu nhà ở phía Tây đường 3/2…

“DN cần phải lượng sức mình mới đi được đường dài, nếu cứ cố gánh thì khó cứu nổi. 2023 vẫn là năm cả DN và người tiêu dùng còn tâm lý nghe ngóng, chờ đợi nên khó khăn vẫn rất lớn đối với toàn thị trường. Vì vậy, mỗi DN phải chủ động, hoạch định phương án vượt qua khó khăn để bước tiếp”, ông Đoàn Hữu Thuận, Chủ tịch Hội Xây dựng tỉnh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: LINH ĐAN

;
.