.

Lương tăng, giá cả cũng tăng

Cập nhật: 18:58, 09/08/2023 (GMT+7)

Từ đầu tháng 7, theo quy định của Nghị định 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng. Nhiều người lao động chưa kịp vui vì lương tăng đã phải tính toán, cân đối lại chi tiêu phù hợp trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng tiêu dùng vẫn ở mức cao, một số mặt hàng đã tăng giá trong hơn tháng qua.

Người dân mua thực phẩm tại chợ Vũng Tàu, TP. Vũng Tàu.
Người dân mua thực phẩm tại chợ Vũng Tàu, TP. Vũng Tàu.

Giá thực phẩm tăng

Chi nhận tại các chợ truyền thống, giá trứng vịt, heo hơi, giá gia cầm tăng so với 1 tháng trước. Cụ thể, giá thịt heo tăng 20.000 đồng/kg so với cuối tháng 6, hiện giá sườn non ở mức 160 - 170 ngàn đồng/kg; thịt ba chỉ thường 120 ngàn đồng/kg, ba chỉ rút sườn 160 - 165 ngàn đồng/kg; nạc dăm, cốc lết, thịt đùi 100 - 120 ngàn đồng/kg…

Bà Phạm Thị Hiền, tiểu thương bán thịt chợ Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu cho biết, từ cuối tháng 6, giá thịt heo nhập vào mỗi ngày tăng từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg, đến nay tăng lên 20.000 đồng/kg so với trung tuần tháng 6. Do giá heo từ lò mổ báo tăng, bà buộc phải tăng giá bán ra thị trường. Trong khi đó, nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu thụ trên thị trường không tăng đáng kể.

Bên cạnh thịt heo, các loại tôm, cá, mực… tăng từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg. Hiện nay, giá cá ngừ khoảng 110 ngàn đồng/kg; giá cá thu nguyên con 210 – 230 ngàn đồng/kg, cắt lát 250 ngàn đồng/kg; giá mực ống loại trung và đại từ 220-270 ngàn đồng/kg; cá chim trắng 160 ngàn đồng/kg loại vừa…; Giá gà, vịt cũng tăng từ 10-15.000 đồng/kg so với 1 tháng trở lại đây. Chẳng hạn, giá đùi gà công nghiệp làm sẵn tăng 10-15 ngàn đồng/kg, lên mức 75-80 ngàn đồng/kg; ức gà công nghiệp tăng 10 ngàn đồng/kg, lên mức 70 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, sức mua lại giảm nhiều.

Tương tự giá các loại rau tươi tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg so với tháng 6. Bà Nguyễn Thị Xuân Trang, tiểu thương bán rau củ quả tại chợ Rạch Dừa (TP.Vũng Tàu) cho biết, hơn một tháng qua, các nhà vườn tăng giá bắt buộc tiểu thương cũng phải tăng theo. Đặc biệt, trong tình hình mưa nhiều như những ngày qua, rau củ quả càng tăng hơn khoảng 30-40% so với lúc điều kiện thời tiết bình thường. Hiện giá một số loại rau củ quả có “nhích” nhẹ như: bắp cải Đà Lạt 10 ngàn đồng/kg, cải thảo 12 ngàn đồng/kg, khoai tây 17 ngàn đồng/kg; hay hành lá cũng lên 30-35.000 đồng/kg, rau cải 10-15.000 đồng/kg, tăng từ 5.000-8.000 đồng so với tháng trước...

Tăng cường giải pháp kiềm chế giá

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, khi lương cơ sở của cán bộ, công chức tăng sẽ tạo ra thị trường tiêu thụ nhiều hơn, giúp kích hoạt tiêu dùng của toàn xã hội mạnh hơn. Bên cạnh đó, việc giảm 2% VAT hàng hóa rẻ hơn, giúp người dân chi tiêu nhiều, từ đó các DN sản xuất cung ứng dịch vụ tốt hơn. Hai yếu tố trên đều tác động tốt lên thị trường nói chung. Tuy nhiên, có một điều luôn song hành là khi lương cơ sở tăng tạo ra tâm lý chung giá hàng hóa sẽ tăng, đặc biệt hàng thiết yếu sẽ tăng trước.

Về lo ngại tăng lương cơ sở ảnh hưởng tới lạm phát, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) nhận định, CPI và tăng lương có tác động lẫn nhau. Lương tăng, đời sống người dân tăng, nhu cầu tăng lên, dẫn đến sự thay đổi quan hệ cung - cầu, kéo theo biến động giá hàng hóa tiêu dùng. Qua các đợt tăng lương cơ sở, Tổng cục Thống kê nhận thấy, giá hàng hóa tiêu dùng cũng tăng, nhất là thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của người dân không cao, nguồn cung hàng hóa đảm bảo tốt, việc tăng lương kéo theo giá cả hàng hóa tăng nhưng không đột biến.

Nhiều người tiêu dùng lo ngại mặt bằng giá tiêu dùng sẽ còn có thể tăng theo trong thời gian tới, ảnh hưởng nhiều tới nhu cầu chi tiêu của nhiều gia đình, nhất là khi năm học mới đang cận kề. Bởi như một quy luật, lương tăng người lao động chưa kịp mừng thì tình trạng giá cả một số mặt hàng cũng sẽ “té nước theo mưa”, trong đó có các mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm.

Số liệu của Cục Thống kê tỉnh cho thấy, trong tháng 7 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,94% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, giá nhóm hàng lương thực tăng 0,57% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá gạo các loại tăng 0,76%, bột mỳ và ngũ cốc khác tăng 0,41%; giá thực phẩm tăng 0,1%, tập trung ở một số mặt hàng: trứng các loại tăng 0,69%; thịt heo tăng 1,64%; quả tươi tăng 2,32%, rau muống tăng 2,28%, su hào tăng 8,74%, măng tươi tăng 4,54%.

Chị Lê Thị Thùy Linh (đường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) nhân viên một công ty kinh doanh các thiết bị hàng hải phàn nàn, lương vừa tăng, chị chưa kịp vui thì đã phải làm sao tính toán để cân đối các khoản chi của gia đình vì giờ ra chợ cái gì cũng tăng. “Như rau cải đầu tháng 7 chỉ khoảng 8.000 đồng/kg thì nay cũng đã tăng lên 15.000 đồng/kg, rồi giá thịt heo, thịt gà cũng tăng thêm 10.000 đồng/kg. Mỗi thứ tăng một ít nhưng cộng lại cũng thành một khoản, nếu không cân đối thì sẽ thâm hụt vào các khoản khác của gia đình như tiền điện, nước, gas. Chưa kể, chi phí để chuẩn bị cho 2 con chuẩn bị bước vào năm học mới”, chị Linh nói.

Để hạn chế tình trạng giá hàng hóa tăng theo lương, bà Nguyễn Thu Oanh khuyến nghị, các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đảm bảo nhu cầu người dân; cần kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, sử dụng vật liệu trong nước thay nguồn nhập khẩu, giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực lên giá tiêu dùng; kiểm soát việc niêm yết giá hàng hóa; đẩy mạnh bình ổn giá; tăng cường thanh tra, kiểm tra chống găm hàng. Bên cạnh các giải pháp chung về kiểm soát mặt bằng giá, một giải pháp cần làm tốt là tăng cường công tác truyền thông để giải quyết vấn đề tâm lý của xã hội. Tâm lý của người dân bị ảnh hưởng càng nhỏ càng tốt, nếu không bị ảnh hưởng thì các giải pháp về kiểm soát giá nêu trên sẽ phát huy tác dụng, giá cả ổn định, hướng tới những mục tiêu đề ra...

Bài, ảnh: SONG BÌNH

.
.
.