Xây dựng nông thôn thành nơi đáng sống

Thứ Hai, 17/07/2023, 19:12 [GMT+7]
In bài này
.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh như trên tại hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, diễn ra sáng 17/7. Tại điểm cầu Bà Rịa- Vũng Tàu, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội nghị.

Sau 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống của người dân được nâng lên.  Trong ảnh: Nông dân huyện Long Điền ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng lúa.
Sau 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống của người dân được nâng lên. Trong ảnh: Nông dân huyện Long Điền ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng lúa.

Diện mạo nông thôn thay đổi

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương (Bộ NN-PTNT) cho biết, đến nay cả nước có 6.022/8.177 xã đạt chuẩn NTM (tăng 11,3% so với cuối năm 2020); 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Cả nước có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đã góp phần cải thiện diện mạo nông thôn, thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Hạ tầng kinh tế, xã hội tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ. Nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 khoảng 46,3 triệu đồng/người/năm (tăng 4,6 triệu đồng so với năm 2020)...

Sau gần 3 năm triển khai, cả nước đã huy động được hơn 1,7 triệu tỷ đồng đầu tư thực hiện chương trình, trong đó vốn ngân sách Trung ương đóng vai trò dẫn dắt, còn lại chủ yếu là vốn huy động tín dụng, DN và cộng đồng.

Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu đến cuối năm 2025 có 38/47 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 8/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó có 2 huyện được công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt 81 triệu đồng/người/năm trở lên; tiếp tục duy trì tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.

Huy động mọi nguồn lực

Cùng với cả nước, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, từ khi triển khai thực hiện chương trình đến nay, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Tính đến cuối tháng 6/2023, toàn tỉnh đã có 47/47 xã đạt chuẩn NTM. 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. 6 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. 2 đơn vị cấp huyện đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ NN-PTNT thẩm định đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã xây dựng NTM trên 67 triệu đồng/người/năm.

Năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã huy động khoảng 15.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình. Từ nay đến cuối năm 2025, ngoài các nguồn lực huy động từ xã hội, tỉnh tiếp tục bố trí khoảng 3.000 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ các địa phương tiếp tục hoàn thiện mục tiêu của Chương trình NTM.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM không chỉ là xây dựng cầu, đường, trường, trạm mà là chương trình đa mục tiêu nhằm xây dựng NTM ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn, đặc biệt là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Vì vậy, các ngành, địa phương cần tập trung đề xuất giải pháp, sáng kiến, chia sẻ những mô hình phù hợp để chương trình xây dựng NTM thật sự thiết thực, có ý nghĩa.

“Chương trình phải tạo ra những sản phẩm đặc trưng, bản sắc văn hóa riêng của các làng quê nông thôn, phát triển làng nghề, tạo điểm nhấn thu hút du lịch nông thôn, xây dựng nông thôn thành nơi đáng sống, nơi để quay về”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.