Ngày 4/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023. Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo sở, ngành tham dự tại điểm cầu Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng nhận định khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi phải tăng cường phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời; đồng thời chuẩn bị kỹ các phương án, kịch bản, giải pháp ứng phó, dứt khoát không để bị động, bất ngờ. Yêu cầu đặt ra là phải linh hoạt có giải pháp đúng và tập trung thực hiện hiệu quả với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hơn nữa và kiên trì, bền bỉ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Về mục tiêu, quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng yêu cầu kiên định, kiên trì tập trung thực hiện mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt phải ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo tăng trưởng khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5%. Trong chỉ đạo điều hành, cần đặc biệt lưu ý việc bảo đảm cân bằng hài hoà, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá; Tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu; Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; Theo dõi sát và nắm chắc tình hình bên trong và bên ngoài. Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ ngành, địa phương. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chủ động thực hiện tốt công tác lập, thẩm định, phê duyệt hoặc báo cáo các quy hoạch theo thẩm quyền. Đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội… Chú trọng giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên, vật liệu san lấp, phục vụ xây dựng các dự án cao tốc qua địa bàn. |
Nhiều giải pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả
Thông tin tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của cả nước chuyển biến tích cực. Nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng có bước tăng trưởng, góp phần cải thiện kết quả chung của cả 6 tháng đầu năm. Trong 69 nhiệm vụ được giao hoàn thành đến hết quý II/2023, có 54 nhiệm vụ hoàn thành, 8 nhiệm vụ gia hạn thời gian báo cáo, 7 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, Chính phủ yêu cầu các địa phương tập trung nguồn lực đạt mục tiêu phát triển kinh tế. Trong ảnh: Công nhân công ty TNHH quốc tế Việt An (TX. Phú Mỹ) trong giờ sản xuât. |
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, đã chỉ đạo địa phương chuẩn bị chu đáo, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung công việc. Đồng thời điều hành chủ động, linh hoạt, thích ứng với tình hình mới của thế giới và trong nước cũng như tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN, dự án đầu tư, thị trường bất động sản.
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Tổ công tác đặc biệt của các địa phương đã được thành lập. Qua đó, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Nhiều chính sách nổi bật, tạo được đồng thuận xã hội như: Gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm lãi suất tiền gửi và cho vay; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xử lý vướng mắc trong các lĩnh vực bất động sản, đầu tư, môi trường, y tế, đăng kiểm,...
Cũng trong tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo khởi công nhiều tuyến đường quan trọng: Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; Vành đai 4 Hà Nội; 4 tuyến đường cao tốc và khánh thành 2 tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Hai kịch bản cho mục tiêu tăng trưởng
Tại hội nghị, Bộ KH-ĐT đưa ra hai kịch bản tăng trưởng quý III và cả năm 2023 cho thấy nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là hết sức nặng nề, với mức tăng trưởng từ 8% trở lên.
Trong 6 tháng đầu năm, nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng. Trong ảnh: Đóng gói thép tại Công ty CP theo Pomina (TX. Phú Mỹ). |
Theo đó, kịch bản 1 với mức tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%; tăng trưởng quý III đạt 6,8%, quý IV đạt 9% (cao hơn lần lượt 0,3 điểm % và 1,9 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,0%.
Đối với kịch bản 2, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%; tăng trưởng quý III đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3% (cao hơn lần lượt 0,9 điểm % và 3,2 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.
Theo lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nhận định, tình hình thời gian tới khó có thể chuyển biến nhanh theo xu hướng tích cực, còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của toàn hệ thống chính trị, người dân và DN. Đồng thời, phát huy hiệu quả mọi chính sách, nguồn lực, tận dụng tối đa các cơ hội, phấn đấu tối đa để kết quả cao nhất theo mục tiêu đã đề ra. Trong đó, phải tập trung theo dõi, nắm chắc tình hình, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, DN. Mục tiêu đặt ra là phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cùng với đó, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số. Đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, đời sống người dân. Tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng, giải quyết triệt để các vấn đề bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội…
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC
6 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách cả nước đạt 54% dự toán. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Vốn FDI đạt hơn 10 tỷ USD. Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư công đã có bước cải thiện đáng kể, đạt hơn 30% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ. Nhiều địa phương thuộc các vùng động lực quan trọng đã có mức tăng trưởng GRDP quý II cao hơn quý I cũng như cao hơn mức bình quân chung cả nước. Tại Bà Rịa -Vũng Tàu, trong 6 tháng đầu năm, 7/15 chỉ về tiêu kinh tế, tài chính tăng trưởng so với cùng kỳ và cao hơn mức kế hoạch cả năm 2023. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trừ dầu khí tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,26%; công nghiệp và xây dựng tăng 2,85%; khu vực dịch vụ tăng 2,56%. Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi, chỉ số công nghiệp (trừ dầu thô và khí đốt) tăng 6,25% so cùng kỳ. Kinh doanh thương mại sôi động trở lại với tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 13,53%; dịch vụ lưu trú tăng 17,01%. An sinh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững. |