Kỳ 1: Giá thuê tăng, tiểu thương 'than trời'
Thời gian qua, việc áp dụng Quyết định số 02/2019 của UBND tỉnh ngày 13/3/2019 về giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ (gọi tắt là Quyết định 02) khiến nhiều tiểu thương gặp khó khăn.
Chợ Vũng Tàu thời gian qua luôn trong tình trạng vắng khách. |
Buôn bán ế ẩm, thu nhập giảm mạnh
Từng là khu chợ buôn bán nổi tiếng sầm uất, tấp nập nhất TP.Vũng Tàu, nhưng mấy năm gần đây, chợ Vũng Tàu luôn thưa vắng khách. Những ngày trung tuần tháng 7, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu có mặt tại chợ và ghi nhận một số quầy, sạp đóng cửa. Bà Nguyễn Thị Minh, tiểu thương kinh doanh shop quần áo cho biết, bà mới lấy nhiều mẫu mã quần áo mới, đẹp để thu hút khách nhưng tình hình buôn bán vẫn ế ẩm, có hôm cả ngày không bán được bộ nào.
“Trước đây, mỗi ngày, tôi bán quần áo thu được 1-2 triệu đồng, vào dịp lễ, Tết có thể lên tới 3-4 triệu đồng/ngày. Còn hiện giờ chỉ mong kiếm 100-200 ngàn đồng để duy trì shop. Đã thế phí dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng lại tăng cao, gấp 2-3 lần trước đây, khiến việc kinh doanh của chúng tôi vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn”, bà Minh thở dài nói.
Theo ông Ngô Văn Luận, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Đức, thực tế tại các chợ hạng 3 trên địa bàn huyện đang thu với mức 18.900 đồng/m2 đối với kiốt; 25.200 đồng/m2 với vị trí 1; 13.230 đồng/m2 với vị trí 2 và 9.450 đồng/m2 với vị trí 3. Còn tại Quyết định 02, mức thu lần lượt sẽ là 60.000 đồng/m2, 80.000 đồng/m2, 60.000 đồng/m2 và 60.000 đồng/m2. |
Tương tự, shop giày dép của bà Nguyễn Thị Bạn cũng trong tình trạng thường xuyên ế ẩm. “Thu nhập giảm trong khi phí dịch vụ tăng lên gây khó khăn cho tiểu thương rất nhiều”, bà Bạn nói.
Không riêng gì chợ Vũng Tàu, hầu hết các chợ truyền thống khác trên địa bàn tỉnh sức mua bán cũng giảm mạnh. Ông Ngô Văn Luận, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Đức cho hay, sau dịch COVID-19 đến nay, việc buôn bán tại chợ truyền thống trên địa bàn không còn nhộn nhịp như trước. Tiểu thương tham gia kinh doanh chủ yếu là hộ cá thể và người sản xuất trực tiếp bán sản phẩm nên chợ gần như chỉ hoạt động một buổi trong ngày.
Theo ông Lê Thanh Phong, Trưởng Ban Quản lý chợ Bà Rịa, hiện khu Trung tâm thương mại chợ có khoảng 50% các ki ốt, hàng sạp phải đóng cửa do buôn bán ế ẩm. Số hộ duy trì kinh doanh tại chợ cũng chỉ khoảng 60%. “Trước đây, có được ki-ốt kinh doanh trong chợ là rất may mắn, nhưng giờ chẳng ai muốn vào. Nhiều ki-ốt treo bảng cho thuê nửa năm nay nhưng cũng không ai thuê”, bà Nguyễn Thị Thu Hương, tiểu thương kinh doanh tại chợ Bà Rịa nói.
Kiến nghị không tăng giá thuê diện tích bán hàng
Theo các tiểu thương, những năm qua, do tình hình kinh doanh ế ẩm nên cuộc sống của nhiều người bị ảnh hưởng. Trong khi đó, ngày 13/3/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định 02 quy định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ trên địa bàn tỉnh (thay cho Quyết định 14/2016 của UBND tỉnh, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019) lại càng gây nhiều khó khăn cho họ do giá dịch vụ tăng cao.
Giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng theo Quyết định số 02/2019 của UBND tỉnh ngày 13/3/2019. |
Bà Nguyễn Thanh Tình, chủ tiệm may áo dài trong chợ Vũng Tàu cho hay, trước đây khi áp dụng theo Quyết định 14, bà chỉ trả tiền thuê ki-ốt (diện tích 6m2) khoảng 240 ngàn đồng. Tuy nhiên, theo quyết định 02, chi phí thuê ki-ốt của bà tăng gấp 3. “Trong khi đó, thu nhập của chúng tôi giảm tới 60-70%. Chúng tôi không biết lấy từ nguồn nào để bù vào chi phí giá thuê dịch vụ bán hàng tại chợ tăng”, bà Tình nói.
Chính vì vậy, nhiều tiểu thương kiến nghị việc tăng giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng theo Quyết định 02 cần xem xét điều chỉnh phù hợp hoặc cơ quan chức năng xem xét cho được áp dụng giá thuê theo Quyết định 14 như trước nhằm giúp tiểu thương giảm bớt khó khăn.
Theo ông Ngô Văn Luận, trên địa bàn huyện Châu Đức có 15 chợ và hiện 13 chợ đã áp dụng thu phí sử dụng diện tích bán hàng theo Quyết định 02. Còn chợ Kim Long (hạng 1) và chợ Ngãi Giao (hạng 2) do Công ty TNHH Thương mại Tân Thành trực tiếp quản lý hiện chưa áp dụng mức thu phí tại chợ theo Quyết định 02, bởi tình hình hoạt động kinh doanh tại chợ còn gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình trên, UBND huyện Châu Đức đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh mức thu thấp hơn so với mức quy định hiện nay tại Quyết định này để phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế tại các chợ trên địa bàn.
(Còn nữa)
Bài, ảnh: TRÚC GIANG