.

Ngành thủy sản phải bắt kịp xu hướng để phát triển

Cập nhật: 18:50, 06/07/2023 (GMT+7)

Nhiều giải pháp, công nghệ đổi mới sáng tạo trong khai thác và nuôi trồng thủy sản đã được chia sẻ tại hội nghị “Đổi mới sáng tạo giải quyết các thách thức ngành thủy sản và phát động cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023” do Sở KH-CN tổ chức sáng 6/7 tại TP.Vũng Tàu.

Thu hoạch, phân loại cá sau đánh bắt tại cảng cá Hưng Thái - huyện Long Điền.
Thu hoạch, phân loại cá sau đánh bắt tại cảng cá Hưng Thái - huyện Long Điền.

Thách thức bủa vây ngành thủy sản

Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết xuất khẩu thủy sản cả nước 6 tháng đầu năm đạt 4 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022. Hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống của thủy sản Việt Nam như châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm sút mạnh, nhất là nhu cầu hải sản tươi sống. Trong đó, Hoa Kỳ giảm tới 48,6%, EU giảm 32,8%, Trung Quốc giảm 24,7%, Hàn Quốc giảm 20,5%,…

Ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức do suy thoái kinh tế khiến nhu cầu thủy sản thế giới giảm mạnh, ngư trường ngày càng cạn kiệt, chi phí đầu vào tăng cao khiến hiệu quả đánh bắt suy giảm, công tác bảo vệ nguồn lợi còn hạn chế. Trong  khi  đó, thủy sản nuôi trồng lại  gặp vấn đề về con giống, dịch bệnh, chi phí đầu vào,… Trước những tác động của tình hình kinh tế thế giới, đến cuối quý II, ngành thủy sản Việt Nam phải điều chỉnh mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 từ 11 tỷ xuống còn 9 tỷ USD.

“Xu hướng tiêu dùng của thế giới hiện nay là sản phẩm phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng để đảm bảo sức khỏe; thân thiện môi trường. Với  xu hướng này, Bà  Rịa- Vũng  Tàu  rất  có lợi thế  để  phát triển cả  thị trường nội địa lẫn xuất khẩu”, ông Hòe nói.

Phát động cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản năm 2023
Trong khuôn khổ hội nghị, sáng 6/7, Sở KH-CN đã phát động cuộc thi “Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023”. Theo Sở KH-CN, cuộc thi được tổ chức nhằm tìm kiếm, phát triển các giải pháp công nghệ đổi mới sáng tạo hướng tới nâng cao chuỗi giá trị để giải quyết các vấn đề trong chuỗi cung ứng ngành thủy sản (khai thác, nuôi trồng, chế biến và thương mại hóa sản phẩm) có khả năng phát triển thành các sản phẩm, dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghệ tốt.
Cuộc thi được tổ chức hàng năm, từ năm 2020. Năm 2023, cuộc thi có những đổi mới như phối hợp với các DN ngành thủy sản để đưa ra các đề bài thực tế, phù hợp để gia tăng khả năng thương mại hóa, ứng dụng của các giải pháp dự thi vào thực tế với 8 giải thưởng (1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba và 3 giải Khuyến khích). Hạn nộp hồ sơ vòng sơ khảo đến hết ngày 30/9/2023. Tháng 10/2023 sẽ tổ chức vòng Bán kết cuộc thi (trực tuyến/trực tiếp) và tháng 11/2023 là Vòng chung kết Cuộc thi.

Theo Sở NN-PTNT, sản lượng thủy sản khai thác năm 2022 của tỉnh là 358.320 tấn. Riêng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 170.634 tấn. Hiện tổng số tàu cá thuộc diện đăng ký quản lý của tỉnh là 4.664 tàu cá, trong đó tàu cá khai thác vùng khơi có 2.768 chiếc, chiếm 59%. Phần lớn các tàu cá được trang bị đồng bộ máy móc tiên tiến, hiện đại như máy tầm ngư, máy định vị, máy đo độ sâu, vô tuyến điện tầm xa... Loại hình khai thác bao gồm: Nghề câu khơi, rê, vây, rập và các nghề khai thác hải sản khác có chọn lọc. Tỉnh khuyến khích chuyển đổi tàu cá làm nghề lưới kéo khai thác không có hiệu quả sang các loại nghề câu, lưới rê, lồng bẫy.

Tỉnh cũng đang đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản theo công nghệ cao với sản lượng hơn 20.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 54 nhà máy chế biến xuất khẩu đạt tiêu chuẩn ISO, HACCP, Halal… với tổng công suất chế biến trung bình khoảng 250.000 tấn thành phẩm/năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt hơn 261 triệu USD gồm các thị trường: Trung Quốc, Hoa kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU,…

DN cần chủ động đổi mới công nghệ

Tại hội nghị, các đại biểu, cơ quan, ban ngành đã góp ý nhiều giải pháp đổi mới sáng tạo, giải pháp về công nghệ để nâng cao giá trị ngành thủy sản như: Mô hình đổi mới sáng tạo mở để các giải quyết các vấn đề cho DN ngành thủy sản; Giải pháp cải tiến quản lý sản xuất trong doanh nghiệp chế biến; Kết nối nguồn lực ươm tạo các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phục vụ ngành thủy sản; Nuôi trồng thủy sản bằng lồng bền vững; Sản xuất theo tiêu chuẩn BAP,…

Ông Nguyễn Hữu Thanh, Giám đốc Trung tâm quốc gia giống hải sản Nam bộ nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo phải phù hợp với yêu cầu và xu hướng chung của thế giới, như: phát triển nuôi bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, xây dựng chuỗi từ sản xuất đến bàn ăn; truy xuất nguồn gốc; an toàn thực phẩm; minh bạch thông tin; Sản xuất theo tiêu chuẩn BAP, ASC,…

Theo  ông Ngô Viết Hoài - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu, các DN không nhất thiết phải nghiên cứu các hệ thống công nghệ thật lớn, thật cao để đua tranh với thế giới mà có thể tập trung vào nhóm công nghệ giải quyết các vấn đề cụ thể của từng DN, thậm chí từng công đoạn sản xuất nhằm cá nhân hóa công nghệ cho từng DN sẽ là một hướng đi mới cho DN nhỏ và vừa.

Ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết, thời gian qua Sở đã hỗ trợ nhiều DN ngành thủy sản xây dựng hệ thống xử lý nước thải để sản xuất sạch hơn, hoặc áp dụng các hệ thống quản lý vào sản xuất, ứng dụng các đề tài, nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm vào DN. Với chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tỉnh đã hỗ trợ hơn 300 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 100 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 5 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.

Từ năm 2020, Sở KH-CN phối hợp Cục Thủy sản, Sở NN-PTNT và các đơn vị liên quan tổ chức Cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thuỷ sản Bà Rịa – Vũng Tàu để tìm kiếm, phát triển các giải pháp công nghệ, đổi mới sáng tạo hướng tới nâng cao giá trị, giải quyết các vấn đề của ngành thuỷ sản tỉnh.

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH

.
.
.