.

Đổi mới sáng tạo giải quyết các thách thức ngành thủy sản

Cập nhật: 15:24, 06/07/2023 (GMT+7)

Sáng 6/7, Sở KH-CN đã tổ chức hội nghị “Đổi mới sáng tạo giải quyết các thách thức ngành thủy sản và phát động cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2023” tại TP.Vũng Tàu.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết, cùng với khó khăn chung của nền kinh tế, ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn cả trong ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu. Hội nghị là cơ hội cung cấp thông tin cho doanh nghiệp các giải pháp, công nghệ để vượt qua các khó khăn trước mắt cũng như giải pháp phát triển lâu dài về đổi mới sáng tạo trong khai thác và nuôi trồng thủy sản; cải tiến quản lý sản xuất và phát triển thị trường cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản.

Ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tính đến nay tỉnh đã hỗ trợ trên 300 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 100 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 5 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp
Ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tính đến nay tỉnh đã hỗ trợ trên 300 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 100 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 5 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản cả nước 6 tháng đầu năm đạt 4 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức như: Suy thoái kinh tế khiến nhu cầu thủy sản thế giới giảm mạnh, “thẻ vàng” IUU của EC.

Bên cạnh đó, ngư trường ngày càng cạn kiệt, chi phí đầu vào tăng cao khiến hiệu quả đánh bắt suy giảm, công tác bảo vệ nguồn lợi còn hạn chế. Thủy sản nuôi trồng cũng gặp vấn đề về con giống, dịch bệnh, chi phí đầu vào,… Trước những tác động của tình hình kinh tế thế giới, đến cuối quý II, ngành thủy sản Việt Nam phải điều chỉnh mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 từ 11 tỷ xuống còn 9 tỷ USD.

“Xu hướng tiêu dùng của thế giới hiện nay là sản phẩm phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng để đảm bảo sức khỏe; thân thiện môi trường, có trách nhiệm, bảo vệ nguồn lợi, phúc lợi động vật và phát triển bền vững, sản xuất xanh, bảo đảm an ninh lương thực. Tuy nhiên tôi cho rằng thị trường nội địa đang có tiềm năng rất lớn và Bà Rịa – Vũng Tàu có lợi thế phát triển thị trường nội địa lẫn xuất khẩu”, ông Hòe nói.

Thu hoạch, phân loại hải sản tại cảng cá Hưng Thái (huyện Long Điền) của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu
Thu hoạch, phân loại hải sản tại cảng cá Hưng Thái (huyện Long Điền) của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu

Đánh giá tại hội nghị, các đại biểu cho rằng Bà Rịa – Vũng Tàu có bờ biển dài hơn 305km và trên 100.000 km2 thềm lục địa, đã tạo cho tỉnh không những có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng mà còn tạo ra một tiềm năng to lớn để phát triển các ngành kinh tế biển, với ngư trường rộng lớn, trữ lượng nguồn lợi hải sản ước tính khoảng 66.600 tấn.

Bên cạnh đó, Bà Rịa – Vũng Tàu có khí hậu nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa; một năm chia hai mùa rõ rệt, nhiệt độ trung bình hàng năm 250C -270C. Vì vậy, Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương có tiềm năng về phát triển nuôi thủy sản mặn lợ với các hệ sinh thái đa dạng như cửa sông, rừng ngập mặn, bãi triều, cỏ biển, san hô, rừng ngập mặn ven biển... và đặc biệt là khu vực biển Côn Đảo rất giàu tiềm năng.

Tại hội nghị, các đại biểu, cơ quan, ban ngành đã góp ý nhiều giải pháp đổi mới sáng tạo, giải pháp về công nghệ để nâng cao giá trị ngành thủy sản trong khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản và chế biến xuất khẩu, như: Mô hình Đổi mới sáng tạo Mở để các giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp ngành thủy sản; Giải pháp cải tiến quản lý sản xuất trong doanh nghiệp chế biến; Kết nối nguồn lực ươm tạo các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phục vụ ngành thủy sản; Nuôi trồng thủy sản bằng lồng bền vững; Sản xuất theo tiêu chuẩn BAP,…

Tin, ảnh: VÕ NGUYỄN

 

.
.
.