.

Vụ Hè Thu 2023: Không chủ quan với dịch bệnh

Cập nhật: 20:25, 18/06/2023 (GMT+7)

Vụ sản xuất lúa Hè Thu năm nay trùng với thời điểm bước vào mùa mưa, lại xuất hiện hiện tượng El Nino nên thời tiết được dự báo sẽ diễn biến cực đoan hơn. Nông dân trồng lúa tại các địa phương trong tỉnh đang đối mặt nhiều khó khăn.

Nông dân xã An Nhứt, huyện Long Điền dặm lại những khu vực lúa giống bị trôi do mưa.
Nông dân xã An Nhứt, huyện Long Điền dặm lại những khu vực lúa giống bị trôi do mưa.

Chi phí sản xuất tăng, năng suất giảm

Trên cánh đồng lúa xã An Nhứt, huyện Long Điền, khoảng 935ha lúa Hè Thu đã được gieo trồng gần 3 tuần nay. Lúa sinh trưởng tốt, nhưng theo nông dân tại địa phương, đây mới là giai đoạn đầu của cây lúa nên cần theo dõi chặt. Hơn nữa, năm nay thời tiết bất lợi, mưa liên tục lại trùng vào thời điểm bà con gieo sạ nên lúa giống dễ bị trôi. Có lúc mưa nhiều, diện tích lúa giống bị trôi buộc nông dân phải gieo lại đợt 2. Nếu không phải gieo lại đối với những diện tích lúa bị da beo cũng phải dặm lại, khiến chi phí sản xuất tăng lên đáng kể.

Ông Bùi Văn Thu, nông dân xã An Nhứt cho biết, bình quân 1ha, nông dân mất từ 1,5- 2 triệu đồng mua lúa giống và làm đất. Nếu gieo không đều hoặc mưa làm trôi cây giống, hạt lúa chụm lại sẽ làm chỗ dày quá, chỗ thưa quá, lúc đó nông dân phải dặm lại. Như vậy, chi phí sản xuất mỗi ha lúa tốn thêm hơn 1 triệu đồng, trong khi năng suất giảm khoảng 30%.

Tại huyện Đất Đỏ, bà con nông dân cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Theo những người trồng lúa ở đây, thời tiết diễn biến thất thường, mưa nắng đan xen, nền nhiệt thay đổi đột ngột, tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh gây hại dễ phát sinh, lây lan trên cây lúa, nhất là ở giai đoạn đầu vụ.

Ông Nguyễn Văn Phổ, nông dân xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ đã xuống giống vụ Hè Thu trên diện tích 1,2ha được hơn 2 tuần. So với cùng kỳ, thời tiết năm nay bất lợi hơn khiến ruộng lúa của gia đình ông và các ruộng xung quanh bị bạc lá và sâu bệnh tấn công. Để bảo đảm cho cây lúa sinh trưởng, ông Phổ đã phun xịt 2 lần phòng ngừa bệnh. “Vụ lúa Hè Thu năm nay, ngay khi xuống giống, bà con nông dân đã gặp nhiều khó khăn. Đó là chi phí đầu tư nhiều hơn do tiền lúa giống cao. Thêm vào đó, năm nay xuất hiện hiện tượng El Nino nên mưa nắng bất thường, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Hiện nay sâu bướm, ốc bươu vàng đang phát triển nên cũng phải bón phân, xịt thuốc diệt cỏ.

Không để sâu bệnh lây lan diện rộng

Vụ Hè Thu 2023, toàn tỉnh xuống giống hơn 8.700ha lúa, tập trung tại các huyện: Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và TP.Bà Rịa.

Tính đến thời điểm này, vụ lúa Hè Thu đã xuống giống được khoảng 2-3 tuần. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, diện tích lúa nhiễm sâu bệnh, bị sâu, bệnh tấn công gây hại mới chiếm khoảng 1% so với diện tích lúa toàn tỉnh nhưng với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, vụ sản xuất Hè Thu sẽ gặp nhiều bất lợi. Để bảo vệ lúa khỏi ảnh hưởng của sâu bệnh, ngành khuyến cáo nông dân tăng cường các biện pháp phòng trừ các loài dịch hại; tuân thủ đúng theo khuyến cáo của ngành chức năng về ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác như: 1 phải - 5 giảm, 3 giảm - 3 tăng, bón phân theo màu lá lúa và phun thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”… Đồng thời chủ động nắm bắt tình hình phát sinh của các loại sâu bệnh gây hại, để có biện pháp phòng trừ kịp thời, không để sâu bệnh lây lan ra diện rộng.

Ngành nông nghiệp cũng yêu cầu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thường xuyên thăm đồng, phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác phòng chống các loại dịch bệnh cây trồng. Đồng thời, phối hợp với các địa phương thường xuyên rà soát công tác xây dựng và thực hiện lịch thời vụ sản xuất trồng trọt phù hợp để khuyến cáo bà con nông dân triển khai thực hiện; cùng với Trung tâm Quản lý, Khai thác công trình thủy lợi, Trung tâm Khuyến nông theo dõi việc điều tiết nước tưới, tình hình sản xuất, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh trên cây trồng.

Bài, ảnh: SONG BÌNH

.
.
.