Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần giảm lãi suất điều hành nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức rất thấp. Lãnh đạo NHNN khẳng định, việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng sắp tới vẫn là nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng, tuy nhiên không vì thế mà hạ chuẩn tín dụng.
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Chi nhánh Vũng Tàu. |
Vốn đối ứng cho nền kinh tế không thiếu
Theo số liệu về tăng trưởng tín dụng được NHNN công bố, tính đến giữa tháng 6/2023 dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến cuối tháng 6/2023, ước tổng nguồn vốn huy động từ nền kinh tế trên địa bàn đạt 174.800 tỷ đồng, trong khi đó tổng dư nợ đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế đạt 159.400 tỷ đồng.
Số liệu trên cho thấy, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào, khả năng vốn đối ứng cho nền kinh tế không thiếu.
Tuy nhiên, theo lý giải của NHNN, mặc dù các tổ chức tín dụng có điều kiện để tăng tín dụng trong những tháng đầu năm do thanh khoản dồi dào và chưa bị giới hạn bởi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng giảm mạnh, sức hấp thụ vốn của DN và nền kinh tế gặp khó khăn (cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, dẫn tới tín dụng cho sản xuất kinh doanh của người dân, DN giảm tương ứng; cầu tiêu dùng giảm).
Ông Phạm Văn Triêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh cho biết, qua khảo sát hơn 100 DN hội viên về hoạt động sản xuất kinh doanh cho thấy, 83% DN đang gặp khó khăn. Trong đó, khó khăn chủ yếu là thị trường bị thu hẹp, hàng tồn kho nhiều, giá nguyên liệu đầu vào tăng…
Bảo đảm chất lượng và hiệu quả tín dụng
Năm 2023, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15%. Đây được xem là thách thức lớn, bởi trong nửa đầu năm, mức tăng rất thấp. Lãnh đạo NHNN cho biết, việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng sắp tới là nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng, tuy nhiên không vì thế mà hạ chuẩn tín dụng. Việc tăng tín dụng vẫn phải bảo đảm chất lượng và hiệu quả. Bởi nếu hạ chuẩn sẽ đi cùng rủi ro, nợ xấu tăng cao.
Do đó, dù tín dụng tăng thấp, ngành ngân hàng cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng nếu DN không đáp ứng yêu cầu tối thiểu thì dù muốn cho vay, ngân hàng cũng không dám mạo hiểm. Các khách hàng không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phần lớn là do quy mô nhỏ, năng lực tài chính, năng lực quản trị và điều hành còn hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi; số dư nợ chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Ông Trần Thiên Trí, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, các NHTM luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân, DN, HTX, hộ kinh doanh có phương án kinh doanh hiệu quả, khả thi nếu đáp ứng đủ điều kiện vay vốn theo quy định nội bộ của từng đơn vị và các quy định của pháp luật. Bởi, trên thực tế, ngân hàng cũng là một DN, do đó khi vay vốn, DN phải chấp nhận sự giám sát của ngân hàng về dòng tiền, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, quá trình tiêu thụ sản phẩm… Có như vậy, ngân hàng mới bảo toàn được nguồn vốn.
Do đó, các DN cần tăng cường năng lực quản trị điều hành, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, minh bạch tài chính; cung cấp đầy đủ tài liệu để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, xem xét cho vay. Song song đó, thường xuyên cập nhật thông tin và mở rộng quan hệ với nhiều tổ chức tín dụng khác nhau để lựa chọn đơn vị có mức lãi suất và điều kiện vay vốn phù hợp với tình hình hoạt động và nhu cầu của DN mình.
Theo Sở KH-ĐT, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 529 DN đăng ký giải thể và tạm ngưng hoạt động, tăng 30,94% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN không hiệu quả nên phải làm thủ tục giải thể. |
Bài, ảnh: PHAN HÀ