Theo kế hoạch tới tháng 8/2024, dự án “Hỗ trợ kinh doanh DN nhỏ và vừa SDGs trong khuôn khổ chương trình phổ cập, kiểm chứng, thương mại hóa dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc giới thiệu sản phẩm Việt Nam được sản xuất bởi Tsubame-Sanyo và thương hiệu Tsubame-Sanyo tại Việt Nam” (sau đây gọi tắt là dự án Sanjo) sẽ kết thúc. Sở Công thương và phía đối tác Nhật Bản đang phối hợp rà soát và đưa ra các giải pháp để dự án đạt hiệu quả cao nhất.
Chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn sử dụng các thiết bị máy móc tại Phòng trương bày thiết bị, sản phẩm Dự án Sanjo-Bà Rịa-Vũng Tàu. |
Tư vấn kỹ thuật
Tính đến tháng 6/2023, Sở Công thương và đối tác phía Nhật Bản tổ chức hơn 10 buổi hội thảo xoay quanh các nội dung như các nguyên tắc giao dịch với DN Nhật Bản, kỹ thuật xử lý sản phẩm cơ khí, tài sản trí tuệ. Các chuyên gia Nhật Bản đã tư vấn cho các DN về tổ chức quản lý nguồn nhân lực, an toàn vệ sinh lao động, gia công kim loại chất lượng cao, những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, hướng dẫn các công ty kiểu mẫu sản xuất sản phẩm thương hiệu chung, hướng dẫn kỹ thuật then chốt gia công kim loại và những sản phẩm có chất lượng cao của Tsubame-Sanjo. Những kinh nghiệm của các chuyên gia đến từ Nhật Bản đã giúp cho các DN hoàn thiện hơn kỹ năng cũng như kiến thức trong công việc quản lý DN.
Ông Trần Đình Bách, Giám đốc Công ty TNHH Alita Tech (TX. Phú Mỹ) - 1 trong 5 DN được chọn tham gia dự án cho biết, công ty được các chuyên gia Nhật Bản chuyển giao công nghệ chế tạo ra các sản phẩm rất tinh xảo, độ chính xác cao, nhất là các sản phẩm làm đẹp như: dao, kìm, cưa, kéo cắt móng tay… "Chúng tôi tin tưởng các sản phẩm trong dự án kết hợp này hoàn toàn có thể đáp ứng được thị trường dưới sự dẫn dắt hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản. Tới đây, sẽ có sản phẩm mang thương hiệu Tsubame-Sanyo tại Bà Rịa-Vũng Tàu", ông Trần Đình Bách nói.
Ngoài ra, các DN Nhật Bản cũng đã hoàn thành công tác quan trắc môi trường tại 5 công ty kiểu mẫu, hướng dẫn các DN thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm tiêu chí xanh trong quá trình sản xuất. Ông Phạm Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH DV&KT DK Tấn Tài Lộc cho biết: "Các chuyên gia của Nhật Bản đến lấy mẫu và kiểm định không khí môi trường, việc này rất tốt cho công ty. Cụ thể là trong khu vực làm việc, các công nhân được hướng dẫn sau khi làm xong thì hút bụi vệ sinh, lau chùi sản phẩm mà mình sản xuất ra để đạt thành phẩm tốt phục vụ cho khách hàng".
Sản xuất sản phẩm mang thương hiệu chung
Một hạng mục thuộc dự án đã hoàn thành và được đánh giá cao là đưa vào hoạt động Phòng trương bày thiết bị, sản phẩm dự án Tsubame Sanjo-Bà Rịa-Vũng Tàu vào tháng 10/2022. Ông Tatsuya Takahashi, Chủ tịch Công ty Takagi, Trưởng Dự án cho biết, với những kinh nghiệm của các chuyên gia đến từ Nhật Bản sẽ giúp cho các DN nắm được các kiến thức và hoàn thiện hơn kỹ năng trước khi tiến đến những bước tiếp theo trong dự án là sản xuất ra sản phẩm mang thương hiệu chung.
Theo bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương, dự án đặt mục tiêu xây dựng những sản phẩm thương hiệu chung giữa Tsubame-Sanjo và Bà Rịa-Vũng Tàu, đồng thời xây dựng kế hoạch kinh doanh để quảng bá sản phẩm thương hiệu chung cũng như sản phẩm Tsubame-Sanjo. Ngoài ra, dự án sẽ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DN Bà Rịa-Vũng Tàu thông qua việc truyền đạt kinh nghiệm sản xuất theo phương pháp Nhật Bản, và các kiến thức về pháp lý để hỗ trợ DN trong hoạt động kinh doanh với DN ngoài nước. Qua đó, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa ngành công nghiệp cơ khí của tỉnh.
“Hiện dự án đã đi được hơn nửa chặng đường, Sở Công thương và các DN Nhật Bản đã thống nhất chương trình làm việc trong năm cuối cùng của dự án. Đó là tổ chức 2 hội thảo chuyên đề trong tháng 8 và tháng 10/2023 gồm hướng dẫn sản xuất thử nghiệm, hướng dẫn giảm thải môi trường. Đồng thời, báo cáo kết quả sản xuất sản phẩm thương hiệu chung và các chính sách hỗ trợ DNNVV vào tháng 3, tháng 5, 6, 7/2024 và tiến hành tổng kết dự án", bà Vũ Bích Hảo thông tin.
Dự án Sanjo do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ với tổng giá trị 1,9 triệu USD, trong đó, vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài không hoàn lại là 1,7 triệu USD. Vốn đối ứng (ngân sách tỉnh) hơn 4,6 tỷ đồng. Dự án triển khai từ năm 2019 và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 8/2024. Để thực hiện dự án, Sở Công thương phối hợp Tổ hợp 4 DN Nhật Bản lựa chọn được 5 DN kiểu mẫu của tỉnh tham gia và ký kết thỏa thuận hợp tác. |
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN