Dù gặp nhiều khó khăn do đơn hàng giảm nhưng các DN trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực tìm kiếm thị trường, tái cơ cấu sản xuất nhằm đảm bảo duy trì việc làm cho người lao động.
Công nhân Công ty TNHH quốc tế Việt An ( TX. Phú Mỹ) trong giờ làm việc. |
Hạn chế tối đa cắt giảm lao động
Từ cuối năm 2022, Công ty TNHH Liên doanh ống thép SENDO (KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ) gặp nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm mạnh. Hiện công suất nhà máy chỉ duy trì ở mức 50% so với trước đây. Ông Nguyễn Khuyến, Phó Tổng giám đốc công ty cho biết, trước tình hình khó khăn, công ty vẫn cố gắng, nỗ lực đồng hành cùng người lao động.
Theo ông Khuyến, thép là ngành sản xuất khá đặc thù, để sử dụng được lao động đòi hỏi cần thời gian để đào tạo từ 3-6 tháng, đặc biệt là những vị trí đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật nên việc tuyển dụng không dễ dàng. Do đó, dù không còn tăng ca nhiều như trước nhưng mức thu nhập vẫn được duy trì ổn định. “Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để giữ chân lao động, chờ khi kinh tế khởi sắc vẫn đảm bảo có đủ nhân lực để tăng tốc sản xuất”, ông Khuyến cho hay.
Công ty TNHH quốc tế Việt An (phường Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ) là DN trong lĩnh vực may mặc hiếm hoi trên địa bàn hiện vẫn đang duy trì được công việc cho khoảng 520 lao động từ đầu năm tới nay. Không những vậy, DN này vẫn đang tuyển dụng thêm lao động để đảm bảo sản lượng của các đơn hàng đã ký. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc công ty cho biết, lượng đơn hàng của công ty đã đủ sản xuất đến hết tháng 7. Ban lãnh đạo công ty vẫn đang tìm kiếm khách hàng, phát triển thêm các đơn hàng mới để đảm bảo đủ công ăn việc làm cho người lao động trong công ty đến hết năm 2023.
Dù gặp nhiều khó khăn, nhiều DN trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực giữ chân người lao động. Trong ảnh: Sản xuất thép tại công ty TNHH liên doanh ống thép Sendo (TX. Phú Mỹ). |
“Bên cạnh đó, công ty vẫn tiếp tục đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng hàng hóa qua đó tạo uy tín với khách hàng để ký các hợp đồng với các đơn hàng lớn hơn, từ đó có thể phát triển mở rộng công ty và DN và duy trì việc làm cho người lao động với mức thu nhập cao”, ông Tuấn cho hay.
Tối ưu hóa sản xuất
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 12.000 DN đang hoạt động, sử dụng khoảng 252.000 lao động. Nhiều DN đã thấm bài học trước xu hướng người lao động chuyển việc, nhảy việc tăng cao hay tình trạng thiếu đơn hàng, phải cắt giảm lao động. Do đó, trong bối cảnh khó khăn chung, duy trì được việc làm là một nỗ lực rất lớn của các DN. Ngoài tìm kiếm đơn hàng, nhiều DN còn sắp xếp tối ưu hóa sản xuất để giữ việc cho người lao động. Một số DN chọn giải pháp chia đều việc cho công nhân, sẵn sàng chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo thu nhập, đón đầu cơ hội khi thị trường phục hồi trở lại.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, thời gian tới, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường, tạo ra những thách thức lớn với nền kinh tế và thị trường lao động. Trước tình trạng này, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ kết quả khảo sát tình hình DN, đồng thời kiến nghị kéo dài thời hạn các chính sách hỗ trợ DN đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn COVID-19, bao gồm việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 thay vì chỉ hết năm 2023. Đặc biệt là đẩy nhanh việc hoàn thuế cho DN, thực hiện một số cơ chế, biện pháp đặc biệt về thuế nhằm hỗ trợ DN, đưa thuế thu nhập DN đối với các DN xuất khẩu về mức 5-10% để tạo sức cạnh tranh...
Bước sang quý II/2023, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu phục hồi lại sản xuất, có thêm đơn hàng sản xuất, lao động đã trở lại làm việc và tuyển thêm lao động như Công ty TNHH sản xuất giày Uy Việt, Công ty TNHH Đông Phương Vũng Tàu, Công ty dự án Hồ Tràm, Hồ Tràm Media, Etop… |
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC