Các sở, ngành, địa phương đang đồng hành, chủ động tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn mà DN trên địa bàn tỉnh phải đối mặt do tác động tình hình kinh tế của thế giới.
Chương trình Cà phê doanh nhân được Đảng ủy DN ngoài nhà nước phối hợp UBND TP.Vũng Tàu tổ chức định kỳ hằng tháng để ghi nhận khó khăn và lắng nghe ý kiến của các DN. |
Đơn hàng giảm
Công ty CP SOP Phú Mỹ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phân bón với công suất 20.000 tấn kali sulphat và 25.000 tấn axit clohydric/năm. Ông Nguyễn Tấn Quốc, Giám đốc thị trường công ty cho biết, 60% sản phẩm của công ty xuất khẩu, còn lại tiêu thụ nội địa. Từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn, đơn hàng giảm 30% so với cùng kỳ. Trong khi đó, thị trường phân bón đang có chiều hướng giảm, khiến việc kinh doanh càng khó khăn hơn.
Ở lĩnh vực xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, gần 2 năm trôi qua nhưng các đơn hàng vẫn chưa hồi phục. Đơn cử, tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hiệp Hòa và Công ty TNHH Sản xuất thương mại Khang Việt Tiến (đều ở huyện Long Điền), hoạt động sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ vẫn cầm chừng do đơn hàng giảm mạnh đến 70-80% so với trước khi dịch COVID-19 bùng phát năm 2021.
Ông Đỗ Văn Trung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Khang Việt Tiến cho biết, thủ công mỹ nghệ không phải hàng thiết yếu tại thị trường châu Âu và Hoa Kỳ nên khi chiến tranh xảy ra, lạm phát tăng cao, người dân cắt giảm chi tiêu nên việc xuất khẩu sản phẩm lĩnh vực này gặp khó.
Sau hơn 1 tháng công bố thành lập Tổ công tác đặc biệt (gọi tắt là Tổ 997) để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư, dự án trên địa bàn tỉnh, Tổ 997 đã tiếp nhận 20 kiến nghị bằng văn bản của 5 DN; 6 kiến nghị của DN qua đường dây nóng với các nội dung liên quan thủ tục đất đai, cấp giấy chứng nhận đầu tư, điều chỉnh tiến độ, quy hoạch dự án… Đến nay, 8 kiến nghị đã giải quyết xong, 18 kiến nghị đang được giao các ngành, đơn vị rà soát xử lý. |
Theo ông Phạm Văn Triêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh, lãi suất ngân hàng là yếu tố tác động trực tiếp đến sức cạnh tranh của DN. Thế nhưng, việc tiếp cận vốn của DN còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe hơn, khiến DN phải thay đổi từ tổ chức sản xuất đến dây chuyền công nghệ… Trong khi đó, DN nhỏ và vừa không đủ vốn để tiếp cận công nghệ, dẫn đến khả năng cạnh tranh trị trường rất thấp.
Theo dự báo, tình hình sẽ khó cải thiện trong thời gian ngắn vì thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc và các nước châu Âu đang gặp khó khăn. Do đó, DN rất cần các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua hình thức triển lãm, hội chợ xúc tiến thương mại.
Nhiều giải pháp tháo gỡ
Để hỗ trợ DN duy trì sản xuất kinh doanh, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thiết thực và kịp thời. Trong đó, ngành chức năng đã triển khai các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hỗ trợ tiếp cận tín dụng, mặt bằng lãi suất, công nghệ, mở rộng thị trường, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện hỗ trợ các nhóm giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh.
Sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền là động lực để các DN trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Tôn Pomina trong giờ làm việc. |
Thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành cũng dành thời gian đầu giờ mỗi sáng tiếp DN, tổ chức đoàn đi khảo sát, lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc cho DN. Đồng thời, thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho DN, nhà đầu tư, dự án trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước, Cục thuế tỉnh cũng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ điều chỉnh lãi suất, vốn vay và các chính sách về thuế cho DN sản xuất kinh doanh. Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh lãi suất vào các tháng 3, 4 và tháng 5.
Tại cuộc họp đánh giá tình hình tăng trưởng kinh tế quý I/2023, nhiệm vụ giải pháp quý II/2023, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đây là thời điểm khó khăn của DN. Do vậy, các cấp chính quyền phải sát cánh, đồng hành, tích cực hỗ trợ DN. Đồng thời, thực hiện hiệu quả chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy sản xuất...
Đối với giải pháp hỗ trợ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 4.282 khách hàng với tổng giá trị 4.317 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 41.939 khách hàng, số tiền lãi đã được miễn giảm là 173,5 tỷ đồng cho tổng số nợ 44.778 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với lũy kế doanh số cho vay đến thời điểm này đạt 85.101 tỷ đồng. |
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC