Chuyển biến tích cực trong gỡ "thẻ vàng" EC
Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, sát thực tế nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trong khai thác, đánh bắt thủy sản cũng như hành động quyết liệt hơn để gỡ "thẻ vàng" EC.
Lực lượng Đồn Biên phòng Bến Đá kiểm tra thủ tục tàu cá ra vào cảng Bến Đá (TP.Vũng Tàu). |
100% ngư dân ký cam kết
Nhận thức rõ việc đánh bắt qua vùng biển nước ngoài là vi phạm pháp luật, nhiều năm nay, chủ tàu cá Nguyễn Văn Lộc (KP.Hải Điền, TT.Long Hải, huyện Long Điền) đều ký cam kết không đánh bắt vùng biển nước ngoài, nếu vi phạm sẵn sàng chịu các mức phạt cao nhất theo quy định. Ông Lộc bày tỏ: “Gia đình tôi mấy đời nay theo nghề biển chưa bao giờ đánh bắt trái phép qua vùng biển nước ngoài. Bởi, mỗi gia đình đều có 1 cây chà (dùng cây, lá, đá chẻ kết thành mảng thả xuống biển, tạo thành một vùng rạn nhân tạo để thu hút đàn cá về cư trú - PV) đánh bắt riêng của mình, không ai dại chạy đi lung tung để rồi bị bắt cả tàu và người”.
Theo Chi cục Thủy sản, 100% ngư dân trong tỉnh đều ký cam kết không vi phạm các quy định IUU. Ý thức chấp hành việc bật máy giám sát hành trình, ghi nhật ký khai thác, nhật ký thu mua của ngư dân cũng ngày càng tốt hơn. Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, nếu lúc trước mỗi ngày có đến 400-500 tàu cá mất kết nối máy giám sát hành trình thì nay chỉ còn 20-30 tàu/ngày. Tuy nhiên, sau khi Chi cục phát hiện mất kết nối báo cho chủ tàu đều kịp thời khắc phục. “Trong tháng 4/2023, Chi cục chỉ phát hiện 11 tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình quá 10 ngày trên biển, đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý”, ông Văn thông tin.
Không chỉ ngư dân, các cảng cá cũng ngày càng hoàn thiện quy trình kiểm tra, kiểm soát các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Ông Lê Tòng Văn cho biết thêm, Chi cục vừa hoàn thành đợt đi kiểm tra, nhắc nhở các cảng cá trong tỉnh về các quy định IUU để chuẩn bị tiếp đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh và Ủy ban châu Âu. Các cảng cá phối hợp với Văn phòng đại diện nghề cá đều thực hiện nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát giấy tờ tàu cá ra vào cảng, nhật ký khai thác, nhật ký thu mua - chuyển tải khi tàu cập cảng, xác định chính xác nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác để phục vụ cho công tác xuất khẩu. Đồng thời, thông báo kịp thời những trường hợp tàu cá vi phạm quy định khai thác bất hợp pháp IUU.
Nhân viên Cảng cá Tân Phước (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) kiểm tra giấy tờ, nhật ký khai thác của tàu cá ra vào cảng. |
Thành lập chốt IUU trên biển
Có được kết quả ban đầu như trên là quyết tâm cao của chính quyền địa phương từ cấp tỉnh đến cơ sở. Nhiều sáng kiến, cách làm hay trong tuyên truyền ở các xã như: Ăn sáng, Cà phê cùng ngư dân… đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân.
“Xã Phước Tỉnh còn thành lập nhóm Zalo với gần 300 chủ tàu cá trên địa bàn để thường xuyên thông báo tàu nào mất kết nối hành trình, tàu nào vượt ranh giới đánh bắt cho phép. Từ đó, các chủ tàu cá kịp thời khắc phục mà không cần tới cơ quan chức năng phát hiện hoặc thông báo tình trạng tàu cá của mình để nhờ sự giúp đỡ trong cộng đồng cũng như cơ quan chức năng”, ông Văn nói.
Để tăng cường cho đợt cao điểm 180 ngày chống khai thác IUU theo Quyết định 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua, 3 chốt liên ngành chống khai thác IUU trên biển đã được thành lập tại 3 cửa biển: Sao Mai (TP.Vũng Tàu), Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) và Lộc An (huyện Đất Đỏ). Chi cục thủy sản, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh và đại diện UBND địa phương là 4 lực lượng kiểm tra chính của chốt.
Hiện tổng số tàu cá của tỉnh được cấp giấy phép khai thác hải sản là 3.237 tàu, trong đó tàu cá đánh bắt vùng khơi là 2.769 tàu. Số tàu khai thác vùng khơi theo quy định đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 2.640 tàu, đạt 95,34%. Ngoài ra, số lượng tàu cá đã lắp thiết bị thông tin liên lạc định vị vệ tinh GPS VX-1700 là 829 chiếc. |
Các chốt IUU được phép kiểm tra tất cả các tàu cá ra, vào cảng trên địa bàn tỉnh và kiểm tra hồ sơ, giấy tờ liên quan đến thuyền viên và tàu cá, các trang thiết bị lắp đặt trên tàu cá, việc thực hiện quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như các hồ sơ cập cảng, rời cảng của tàu cá. Các chốt IUU được thực hiện mỗi quý 1 đợt, mỗi đợt 5 ngày, các thành viên phân công ca trực chốt 24/24.
“Các chốt liên ngành IUU có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý ngay các vi phạm IUU và hỗ trợ cho công tác phối hợp cũng như giám sát, kiểm tra chéo hoạt động giữa các đơn vị. Mục đích tăng cường công tác quản lý hoạt động nghề cá, tập trung triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp chống khai thác IUU nhằm tháo gỡ "thẻ vàng" của EC và hướng tới hoạt động khai thác thủy sản bền vững”, bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT nhấn mạnh.
Bài, ảnh: NGUYÊN MINH