Doanh nghiệp xoay sở kiếm đơn hàng
Từ tháng 4/2023 đến nay, nhiều DN đã “thở phào” khi có đơn hàng trở lại. Tuy vẫn chưa hết khó khăn nhưng kỳ vọng điều này sẽ tạo đà để DN phục hồi sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm.
Nhiều DN đã có đơn hàng trở lại sau thời gian gặp khó khăn do đứt gãy nguồn hàng. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH quốc tế Việt An (TX. Phú Mỹ) trong giờ làm việc. |
Nỗ lực kiếm đơn hàng
Ngay từ đầu tháng 4/2023, khoảng 1.000 công nhân Công ty TNHH sản xuất giày Uy Việt (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) đã được gọi trở lại làm sau thời gian tạm nghỉ do không có đơn hàng. Bà Hà Thị Thanh Thảo, Tổng Giám đốc Hành chính công ty cho biết, trong quý I/2023, đơn hàng giảm 30-40% so với năm ngoái, công ty buộc phải cho một bộ phận công nhân tạm nghỉ việc và thanh toán trợ cấp theo quy định. Tuy nhiên, bước vào tháng 4, công ty đã nhận được các đơn hàng từ các đối tác. Dù không nhiều như các năm song vẫn đủ số lượng để công ty duy trì từ nay tới cuối năm.
Đơn hàng đã tương đối ổn định, công ty duy trì làm việc 8 tiếng/ngày cho công nhân. Ban lãnh đạo công ty cũng tiếp tục làm việc với các đối tác nước ngoài để tìm kiếm các hợp đồng sản xuất, nhằm tăng cường số lượng đơn hàng cho thời gian tới, đặc biệt cho các tháng 7,8,9. Hy vọng từ nay tới cuối năm, kinh tế sẽ khởi sắc trở lại để các DN hoạt động ổn định hơn”, bà Thảo cho hay.
Trước khó khăn chung của nền kinh tế, Công ty TNHH Quốc tế Việt An hoạt động trong lĩnh vực may mặc tại cụm CN-TTCN Hắc Dịch (TX. Phú Mỹ) cũng đã thu hẹp sản xuất từ 12 chuyền xuống còn 9 chuyền, hiện DN này đang sản xuất khoảng 1.000 sản phẩm/tháng xuất đi châu Âu, giảm 10-15% sản lượng so với trước đây. Mặc dù vậy, phía DN này vẫn nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng khác để tạo việc làm cho công nhân lao động.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc sản xuất công ty cho biết, từ nay đến tháng 7/2023, công ty đã có đủ đơn hàng sản xuất và đang tìm kiếm thêm nhân công có tay nghề để tuyển dụng.
Hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp
Theo báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh, bước sang tháng 4/2023 tình hình kinh tế tuy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, song đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc hơn so với 3 tháng đầu năm. Trong đó, một số ngành công nghiệp đã bắt đầu có tăng trưởng trở lại, giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu khí tháng 4/2023 ước tăng 11,61% so với cùng kỳ. Trong các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh, có 25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu đạt mức tăng trưởng, trong đó có 17 sản phẩm tăng trưởng mạnh trên 10%.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chánh văn phòng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, từ đầu tháng 4 tới nay, Ban Quản lý các KCN tổ chức triển khai đoàn kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về các lĩnh vực đầu tư, xây dựng và bảo vệ môi trường, đồng thời cũng ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của các DN trong KCN. Qua ghi nhận cho thấy, một số DN tại các KCN cũng đã bắt đầu hoạt động ổn định trở lại. Nhiều DN đã có đơn hàng để sản xuất.
“Ban Quản lý các KCN sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cùng các DN. Trong đó, ngoài thực hiện các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho DN, Ban cũng tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hoá các thủ tục để DN dễ dàng tiếp cận”, ông Nguyễn Thanh Liêm cho hay.
Trong khi đó, Sở Công thương cũng đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, tổ chức DN rà soát, phân tích, đánh giá khả năng thực hiện các chỉ tiêu kinh tế liên quan của ngành để làm cơ sở xây dựng kịch bản điều hành và đề ra giải pháp trong thời gian tới.
Mới đây, ngày 17/5, UBND tỉnh cũng công bố thành lập Tổ công tác đặc biệt của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn. Trong thời gian tới tỉnh cũng sẽ tổ chức hội nghị đối thoại giữa UBND tỉnh với các Hiệp hội, DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho DN.
Tại hội nghị công bố thành Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, phát triển cộng đồng DN ngày càng bền vững là nhiệm vụ then chốt của tỉnh trong thời gian tới. Do đó, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương là tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao các chỉ số, đẩy mạnh chuyển đổi số,… để phục vụ tốt hơn nữa hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, nhà đầu tư. Tổ công tác đặc biệt là một kênh thông tin quan trọng để UBND tỉnh tiếp cận trực tiếp, nhanh nhất khó khăn, vướng mắc của DN để tháo gỡ kịp thời, hiệu quả. |
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC