Đây là vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Ứng dụng các giải pháp công nghệ xử lý nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu phục vụ nông nghiệp tuần hoàn” do Sở KH-CN, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH-CN phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức vào chiều 21/4.
Ông Trương Đình Nam, thành viên HTX Nhân Tâm (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) ủ phế phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ bón cho vườn nhãn. |
Lãng phí phụ phẩm
Theo TS. Nguyễn Văn Bắc-Phó Trưởng Văn phòng phía Nam Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nông nghiệp tuần hoàn là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các giải pháp công nghệ sinh học, hóa lý. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và nhất là giảm thiểu đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Tuy nhiên, một số địa phương chưa quan tâm đến quản lý chất thải hay đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật đối với các cơ sở sản xuất. Vì vậy, hiện nay mới có khoảng hơn 10% phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm chất đốt tại chỗ, 5% là nhiên liệu công nghiệp, 3% làm thức ăn gia súc; còn hơn 80% chưa được sử dụng và thải trực tiếp ra môi trường hoặc đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, tiềm năng và giá trị của phụ phẩm nông nghiệp (PPNN) nước ta là rất lớn. Theo số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT, ước tính tổng lượng PPNN của cả nước vào khoảng 160 triệu tấn/năm. Trong đó, có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,2%) như: rơm, rạ, trấu, vỏ trái cây, bã mía…; 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 38,7%); 6 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm khoảng 3,7%) và khoảng 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (0,6%) như: vỏ tôm, da cá các loại…
Hàng năm, phần sinh khối PPNN từ các cây trồng chính như: lúa, ngô, mía, rau các loại có thể cung cấp tương đương với 43 triệu tấn phân bón hữu cơ, 1,8 triệu tấn urê, 1,6 triệu tấn supe lân đơn và 2,2 triệu tấn kali sulfat. Đây được coi là nguồn tài nguyên tái tạo rất lớn để bù đắp lại dinh dưỡng cho đất và sử dụng cho cây trồng trong canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, gần như phần lớn dưỡng chất này bị bỏ phí.
Tại hội nghị, báo cáo viên cũng đã giới thiệu, hướng dẫn thêm cho nông dân một số giải pháp chế biến, sử dụng PPNN làm đầu vào cho ngành chăn nuôi tuần hoàn như: đệm lót sinh học, bể biogas xử lý chất thải, xây dựng hố ủ sử dụng hệ thống ống làm thông khí nuôi trùn quế từ phân giá súc, gia cầm,… |
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tuần hoàn
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình nông nghiệp sử dụng phụ phẩm sản xuất theo quy trình nông nghiệp tuần hoàn và mang lại hiệu quả cao như: mô hình vườn-ao-chuồng; mô hình trồng lúa-trồng nấm; mô hình trồng lúa-trồng nấm-sản xuất phân hữu cơ-trồng cây ăn quả; mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; mô hình sản xuất ủ phân bò-trùn quế-trồng cây; mô hình trồng ngô-gia súc....
Đơn cử như mô hình áp dụng theo quy trình nông nghiệp tuần hoàn của HTX Nhân Tâm (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc). HTX đã ứng dụng công nghệ sinh học xử lý chất thải rắn từ những phụ phẩm bỏ đi như: cành, lá, vỏ cây: nhãn, xoài, chuối… để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh dạng lỏng và rắn, bón lại cho cây trồng theo quy trình nông nghiệp tuần hoàn.
Ông Phan Thế Hoành, Giám đốc HTX Nhân Tâm cho biết, mô hình vừa bảo vệ môi trường, vừa đem lại lợi ích kinh tế cao cho HTX. Theo tính toán của HTX, chi phí sản xuất một kg phân bón vi sinh từ cành, lá cây phế, phụ phẩm chỉ mất 3.000 đồng, trong khi giá mua bên ngoài là 8.000 đồng/kg. Dự kiến, dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp mà HTX đang đầu tư xây dựng hàng năm có thể sản xuất ra 2.000 tấn, HTX sẽ thu được lợi nhuận 10 tỷ đồng/năm.
Có 26/155 trại heo áp dụng mô hình chăn nuôi công nghệ cao, chuồng kín, quy mô trang trại công nghiệp, có hệ thống làm mát. Số trại chăn nuôi gà có 20/84 trại chiếm 23,8% số trại chăn nuôi chuồng kín (trại lạnh). Các trang trại này đều đang phát triển theo xu hướng nông nghiệp tuần hoàn.
Theo ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, việc đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn là chủ trương của Chính phủ cũng như của tỉnh. Chính vì vậy, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã ban hành nhiều tài liệu, văn bản hướng dẫn việc thu gom, xử lý phụ phẩm cây trồng để gửi các địa phương hướng dẫn bà con nông dân sử dụng đa giá trị trên một đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, thời gian tới Chi cục cũng sẽ triển khai một số mô hình trình diễn sản xuất tuần hoàn để bà con có thể học hỏi và áp dụng triển khai rộng rãi.
Bài, ảnh: NGUYÊN MINH