.

Chuyển đổi nghề đánh bắt bền vững, có trách nhiệm

Cập nhật: 19:36, 04/04/2023 (GMT+7)

Tỉnh đã có quy hoạch phát triển nghề khai thác thủy hải sản theo hướng giảm dần những nghề xâm hại đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, đánh bắt có trách nhiệm vì một nghề cá bền vững.

Tỉnh đang có chủ trương giảm dần nghề lưới kéo và nghề khai thác gần bờ để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong ảnh: Tàu cá tại cảng Tân Phước (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) chuẩn bị nguyên liệu ra khơi.
Tỉnh đang có chủ trương giảm dần nghề lưới kéo và nghề khai thác gần bờ để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong ảnh: Tàu cá tại cảng Tân Phước (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) chuẩn bị nguyên liệu ra khơi.

Cấm đóng mới tàu giã cào

Thông tin  từ  Sở NN-PTNT cho biết, thời gian qua tỉnh đã giảm dần và chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Nhiều biện pháp để quản lý hoạt động tàu lưới kéo đã được triển khai như: cấm hoạt động khai thác trong mùa sinh trưởng, cấm đóng mới tàu giã cào bay, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân. Đồng thời, công tác tuyên truyền, vận động ngư dân chuyển đổi cũng được thực hiện thường xuyên, liên tục. 

Ông Trần Ngọc Phương (ấp Phước Thắng, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) có 4 cặp tàu lưới kéo đôi công suất bình quân 650 CV/tàu. Ý thức được việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ông luôn cho tàu đánh bắt xa bờ ở vùng khơi các loại mực, cá lớn, tránh tận diệt cá nhỏ, cũng như không đánh bắt trong mùa cá sinh trưởng. “Tàu của gia đình tôi đóng từ năm 2014, đi biển đến khi tàu hư hỏng sẽ nghỉ, chuyển đổi nghề khác chứ không đóng mới”, ông Phương nói.

Theo Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký phê duyệt “Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái”, cả nước phấn đấu đến năm 2025 chuyển khoảng 2.000 tàu khai thác hải sản sang nghề nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nuôi trồng thủy sản, nghề cá giải trí. Ngoài ra, chuyển đổi 1.000 tàu cá làm nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái sang làm các nghề khai thác hải sản khác ít ảnh hưởng hơn.

Đến nay, tổng số tàu cá trên địa bàn tỉnh đã giảm 20%, từ 5.812 chiếc năm 2020 đến nay còn 4.671 chiếc (giảm 1.141 chiếc). Tàu cá giảm chủ yếu ở nghề khai thác gần bờ, hoặc tàu khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Trong đó, nghề lưới kéo (giã cào) thuộc thành phần này đã giảm 220 chiếc so với năm 2019, hiện còn 1.395 chiếc. Nhóm tàu khai thác vùng ven bờ, vùng lộng cũng giảm còn 1.900 chiếc (năm 2020 là 2.902 chiếc).

Do ngư dân đã quen với cách đánh bắt tận diệt bằng các hình thức giã cào bay dẫn đến tình trạng ngư trường cạn kiệt, cho nên đây là việc bắt buộc thực hiện trong thời gian sớm nhất. Đây là nghề đánh bắt mang tính tận diệt và phá hủy môi trường tầng đáy, làm mất cân bằng hệ sinh thái biển, ảnh hưởng tới các loài như san hô, rùa biển, vích, đồi mồi, bò biển…

“Tuy nhiên, nghề lưới kéo là nghề truyền thống từ bao đời của ngư dân nên chuyển đổi nghề phải có lộ trình và thời gian”, bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT nói.

Tàu lưới kéo của ông Trần Ngọc Phương (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) chỉ đi đánh bắt vùng khơi và khi tàu hỏng sẽ nghỉ, không đóng mới.
Tàu lưới kéo của ông Trần Ngọc Phương (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) chỉ đi đánh bắt vùng khơi và khi tàu hỏng sẽ nghỉ, không đóng mới.

Quy hoạch phát triển bền vững

Bà Phạm Thị Na cho biết, định hướng của ngành trước mắt giảm 100% tàu lưới kéo vùng bờ và vùng lộng vì theo quy định của pháp luật cấm không cho tàu lưới kéo khai thác ở hai vùng này. Riêng ở vùng khơi, Bộ NN-PTNT vẫn cấp hạn ngạch cho tàu lưới kéo hoạt động do đó tỉnh sẽ cho giảm dần bằng cách không cho đóng mới, số tàu lưới kéo hiện nay khi hết niên hạn hoạt động sẽ tự giải bản tàu.

Tỉnh cũng đang triển khai, hoàn thiện đề án Chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh sang nghề khai thác hải sản có tính chọn lọc cao, thân thiện với môi trường. Cụ thể, giai đoạn 2023-2026, dự kiến hoàn thành chuyển đổi 100 tàu lưới rê nhóm chiều dài dưới 6m hoạt động ở vùng ven bờ sang nghề du lịch trải nghiệm câu cá giải trí; 25 tàu lưới kéo nhóm chiều dài từ 6 đến dưới 12m hoạt động ở vùng ven bờ sang nghề lưới rê đáy; 558 tàu lưới kéo nhóm chiều dài từ 15m trở lên hoạt động ở vùng khơi sang nghề lưới rê đáy (186 chiếc), nghề câu (186 chiếc), nghề lồng bẫy (186 chiếc).

Theo Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Công Vinh, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về khai thác hải sản, tỉnh cũng tạo nguồn vốn hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề theo hướng khai thác, nuôi trồng bền vững, nuôi thủy sản lồng bè theo hướng công nghệ cao. Đồng thời tăng cường chế biến sâu, chế biến các mặt hàng tinh chế nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản để tạo công ăn việc làm phù hợp cho ngư dân khi chuyển đổi ngành nghề, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH

 
.
.
.