Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng cân đối vốn, tập trung tín dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Trang trại nuôi gà chuồng lạnh công nghệ cao của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc). Ảnh: KIM HỒNG |
Các hợp tác xã chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi hoặc chưa ký kết được nhiều hợp đồng bao tiêu, thu mua đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất cũng như các hợp đồng thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, nhiều hợp tác xã cũng thiếu tài sản thế chấp nên khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng.
Đó là nhận định của các đại biểu tại hội thảo khoa học “Tín dụng hợp tác xã: Thực trạng và giải pháp” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại Hà Nội ngày 2/3.
Tín dụng cho hợp tác xã chưa cao
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, thời gian qua đơn vị này xác định kinh tế tập thể nói chung và hợp tác xã nói riêng là một trong những đối tượng ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư tín dụng. Tuy nhiên, tín dụng cho hợp tác xã còn quá èo uột, quy mô còn rất hạn chế.
Số liệu thống kê được bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho thấy, đến nay có trên 40 tổ chức tín dụng tham gia cho vay kinh tế tập thể, hợp tác xã. Dư nợ cho vay đến cuối năm 2022 đạt khoảng 6.500 tỷ đồng (giảm 12,45% so với cuối năm 2021), với gần 1.200 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã còn dư nợ.
Dư nợ cho vay chủ yếu tập trung ở nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm trên 70%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chiếm 19%; còn lại là nhóm khác chiếm 11%.
Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể chưa cao, theo bà Tùng, là nhiều hợp tác xã còn hạn chế trong quản trị, điều hành, hiệu quả hoạt động yếu kém, số lượng dịch vụ ít, chất lượng dịch vụ chưa cao, sản xuất chưa gắn với thị trường tiêu thụ, chưa có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả
Ngoài ra, nhiều hợp tác xã chưa chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012 hoặc chỉ chuyển đổi về mặt hình thức, thiếu vốn tự có, không có tài sản bảo đảm; thiếu công khai, minh bạch về tài chính, kế toán, thiếu tài sản bảo đảm,... nên chưa đủ cơ sở để các tổ chức tín dụng thẩm định quyết định cho vay.
Ông Phạm Công Bằng, Tổng Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam cho biết, thực tế chỉ có khoảng 2% số hợp tác xã trong cả nước tiếp cận được vốn các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã là rất lớn và cấp thiết, bởi nguồn vốn tín dụng là yếu tố quyết định để phát triển sản xuất kinh doanh nhưng đa số các hợp tác xã không tiếp cận được với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng.
Tìm cách gỡ nút thắt
Để kinh tế hợp tác xã phát triển, các đại biểu cho rằng do vốn và tài sản hạn chế nên các hộ nông dân, hộ cá thể cần phải liên kết, hợp tác tổ chức sản xuất, kinh doanh theo mô hình kinh tế tập thể để có hiệu quả bền vững.
Tại hội thảo, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng cân đối vốn, tập trung tín dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các mô hình hợp tác xã kiểu mới làm ăn có hiệu quả. Đặc biệt những hợp tác xã tham gia phát triển các sản phẩm có thế mạnh, sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, có giá trị thương mại cao.
Các tổ chức tín dụng cũng cần thường xuyên nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm; rà soát, cải tiến, đổi mới quy trình, thủ tục, điều kiện cấp tín dụng phù hợp với yêu cầu và thực tiễn hoạt động của hợp tác xã để từng bước mở rộng và tăng cường hỗ trợ vốn cũng như khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho các loại hình kinh tế tập thể.
Đối với hợp tác xã, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước kiến nghị đội ngũ quản lý hợp tác xã cần nâng cao năng lực quản trị, điều hành, thích nghi nhanh và kịp thời chuyển đổi hoạt động phù hợp với yêu cầu thị trường, ứng dụng chuyển đổi số, khoa học công nghệ trong công tác quản trị, điều hành hợp tác xã nhằm tăng cường năng lực hoạt động và sức chống chịu của hợp tác xã trước các biến động của thị trường.
Ngoài ra, các hợp tác xã phải cơ cấu lại hoạt động, tăng cường năng lực, minh bạch về tài chính, xây dựng phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, làm cơ sở để các tổ chức tín dụng thẩm định, quyết định cấp tín dụng.
Theo khảo sát của hệ thống liên minh, chỉ khoảng 10% số hợp tác xã được vay vốn của các Quỹ Trung ương và địa phương; 0,5% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng. |
THÚY HÀ