.

Ngân hàng Việt khẳng định giá trị thương hiệu

Cập nhật: 19:51, 02/03/2023 (GMT+7)

Trong bảng xếp hạng Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới năm 2023 vừa được Brand Finance công bố, ngành ngân hàng Việt Nam là tiêu điểm khi giá trị thương hiệu tăng lên đến 31,3% (hơn 2 tỷ USD) so với năm 2022. 

Vietcombank có vị trí cao nhất trong 12 ngân hàng Việt  lọt vào Top 500. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Vietcombank  Chi nhánh Vũng Tàu.
Vietcombank có vị trí cao nhất trong 12 ngân hàng Việt lọt vào Top 500. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Chi nhánh Vũng Tàu.

12 ngân hàng của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng trên, gồm: Vietcombank, Agribank, BIDV, Techcombank, VietinBank, VPBank, MBBank, ACB, Sacombank, HDBank, SHB và VIB. Hầu hết 12 thương hiệu ngân hàng Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng đều có sự cải thiện ở vị trí của mình. Trong đó, Vietcombank có vị trí cao nhất, xếp thứ 137. Với vị trí này, Vietcombank đã tăng 25 bậc so với năm ngoái.

Đại diện Vietcombank cho biết, định hướng chiến lược của Vietcombank đến năm 2025, tầm nhìn 2030 là giữ vững vị thế ngân hàng số một tại Việt Nam, trở thành một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á, 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới, 1.000 DN niêm yết lớn nhất toàn cầu có đóng góp lớn cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. Trải qua hành trình 60 năm thành lập và phát triển, Vietcombank đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của kinh tế đất nước, tạo ra những ảnh hưởng quan trọng đối với cộng đồng tài chính khu vực.

2 ngân hàng lớn là BIDV, VietinBank cũng xếp vị trí cao trong bảng xếp hạng. BIDV xếp thứ 161, tăng 51 bậc và Vietinbank tăng 13 bậc, xếp thứ 171. Theo bà Bùi Thị Thu Hà, Giám đốc VietinBank Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong quá trình hoạt động, VietinBank luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng. VietinBank cũng thường xuyên triển khai các giải pháp, chương trình thiết thực để hỗ trợ khách hàng như: điều hành lãi suất cho vay, phí dịch vụ ở mức hợp lý… Trong những năm qua, các chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng và huy động vốn của ngân hàng đều tăng trưởng tốt.

Riêng Agribank, dù so với năm 2022 bị sụt giảm thứ hạng, từ 157 xuống 159 nhưng trong số 12 ngân hàng Việt  lọt vào Top 500, Agribank vẫn xếp thứ hai, đứng sau Vietcombank. Đây cũng là ngân hàng nhiều năm liền lọt vào bảng xếp hạng 500 thương hiệu ngân hàng lớn nhất toàn cầu. 

Brand Finance là công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới được thành lập vào năm 1996 tại Luân Đôn, Vương quốc Anh. Các thương hiệu được lựa chọn và đánh giá, xếp hạng dựa trên các tiêu chí về thị phần, tốc độ tăng trưởng về quy mô tài sản, năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động cũng như uy tín thương hiệu trên truyền thông. Bảng đánh giá của Brand Finance luôn được coi là những nhận định chính xác, uy tín và cho thấy rõ “sức khỏe” của từng ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Liệu, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Vũng Tàu cho biết, năm 2022, tăng trưởng tín dụng của đơn vị ở mức 18%. Nợ xấu cũng được kiểm soát tốt, từ 0,8% năm 2021 xuống còn 0,4% năm 2022. Trong quá trình hoạt động, Agribank Chi nhánh Vũng Tàu luôn ưu tiên dành nguồn vốn lớn để đáp ứng cho người dân, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Với 12 ngân hàng được xếp hạng, Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng ngân hàng trong Top 500. Tiếp theo là Indonesia và Philippines (cùng có 9 ngân hàng), Malaysia (8 ngân hàng), Thái Lan (6 ngân hàng) và Singapore (3 ngân hàng). Đáng chú ý, các ngân hàng Việt Nam cũng dẫn đầu ASEAN về tổng số hạng được tăng. Cụ thể, 12 ngân hàng Việt Nam tăng được 296 hạng, tiếp theo là Indonesia tăng 79 hạng, Singapore tăng 20 hạng, trong khi Thái Lan tụt 25 hạng, Malaysia tụt 56 hạng, Philippines tụt 80 hạng…

Theo nghiên cứu của Brand Finance, sự phục hồi và dự báo doanh thu là những yếu tố quan trọng trong sự tăng trưởng ấn tượng về giá trị thương hiệu của các ngân hàng Việt. Về tổng quan, các thương hiệu ngân hàng Việt Nam ghi nhận sự cải thiện vượt bậc về hiệu quả kinh doanh trong năm 2022, được củng cố bởi tốc độ tăng trưởng tín dụng (gần 13%) cũng như sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ với tăng trưởng GDP (đạt 8%), cao nhất trong vòng 25 năm qua.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

 
.
.
.