Giữ "chất" khi xây dựng nông thôn mới
Quy hoạch kiến trúc - xây dựng trong nông thôn mới (NTM) cần phải giữ được “chất” riêng nông thôn giúp NTM phát triển bền vững. Đây là yêu cầu theo tinh thần Chỉ thị 04/CT-TTg về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống mà Chính phủ vừa ban hành tháng 2/2023.
Người dân xã Tân Hải (TX.Phú Mỹ) thu hoạch rau. Xã Tân Hải được xem là xã NTM với đặc thù rau chuyên canh. |
Quy hoạch đi trước
Bà Dương Thảo Hiền, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, thực tiễn triển khai xây dựng NTM thời gian qua cho thấy, quy hoạch luôn được đặt ở vị trí hàng đầu, là “đi trước một bước” để định hướng cho lộ trình xây dựng NTM, góp phần hoạch định phát triển không gian trên địa bàn nông thôn một cách toàn diện ở các địa phương.
Trên cơ sở ý kiến hướng dẫn của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng đã triển khai hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí đạt chuẩn NTM cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh. Đến nay, các đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn tỉnh đều đã được phê duyệt (gồm huyện Đất Đỏ, Long Điền, Xuyên Mộc và Châu Đức). Toàn tỉnh có 35 đồ án quy hoạch chung xây dựng xã, trong đó có 2 đồ án đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Sau khi đồ án quy hoạch chung xã được phê duyệt, UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ tiến hành lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn, làm cơ sở quản lý, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội.
Đến nay toàn tỉnh đã có 47/47 xã đạt chuẩn NTM; 6/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành/đạt chuẩn NTM. Để phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM thì 8/8 đơn vị cấp huyện phải hoàn thành đạt chuẩn NTM theo quy định. Tuy nhiên, thực tế Côn Đảo là huyện đảo, dưới cấp huyện là các khu dân cư, không có đơn vị cấp xã để triển khai xây dựng NTM.
Trong khi đó, TP.Vũng Tàu là đô thị loại I. Cơ cấu kinh tế của thành phố chủ yếu là du lịch và dịch vụ. Thành phố chỉ có duy nhất 1 xã (xã Long Sơn) với cơ cấu kinh tế chủ yếu là công nghiệp, dịch vụ. Về quy hoạch xây dựng, xã Long Sơn nằm trong ranh giới đồ án quy hoạch chung TP.Vũng Tàu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các chỉ tiêu quy hoạch được tính toán cho đô thị loại I. Mặt khác, TP.Vũng Tàu đang xây dựng kế hoạch để đưa xã Long Sơn thành phường Long Sơn trong thời gian tới. Khi đó, TP.Vũng Tàu sẽ không còn xã để triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia. Đồng thời, việc triển khai xây dựng NTM cho xã Long Sơn cũng trùng lắp với Chương trình phát triển đô thị của thành phố hiện nay.
Vướng mắc này đã được Sở Xây dựng phối hợp với Sở NN-PTNT đề nghị Văn phòng Điều phối NTM Trung ương báo cáo, tham mưu Trung ương để có sự điều chỉnh đối với các quy định về NTM áp dụng với các địa phương là đô thị hoặc dự kiến phát triển đô thị trong tương lai.
Giữ “chất” nông thôn
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình quản lý quy hoạch xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại bất cập. Đó là sự lệch pha giữa các luật liên quan, trong khi quy hoạch chung xây dựng các xã phải điều chỉnh theo quy hoạch sử dụng đất được duyệt. Tuy nhiên trên thực tế, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chủ yếu cập nhật hiện trạng sử dụng đất, không tính toán đến đặc điểm dân cư, việc kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bán kính phục vụ người dân như quy hoạch xây dựng. Cách làm quy hoạch như hiện nay đang gây khó khăn cho việc định hướng quy hoạch cũng như tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội một cách đồng bộ, hiệu quả phục vụ cho cộng đồng dân cư nông thôn.
Cùng với đó, quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về mặt xã hội, văn hóa, lối sống ở nông thôn, tác động đến kiến trúc cảnh quan, môi trường sống của người dân nông thôn. Nhiều khu dân cư cận các đô thị phát triển một cách tự phát, thiếu kiểm soát. Tại các khu vực nông thôn, kiến trúc ngày càng mất bản sắc truyền thống, pha tạp. Các giá trị kiến trúc truyền thống chưa được chú trọng nhìn nhận, kế thừa, bảo tồn và phát huy.
Theo Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng về định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống có nhiều chỉ tiêu được điều chỉnh trong đó đến 2030 đạt tối thiểu 80% điểm dân cư nông thôn được ban hành quy chế quản lý kiến trúc. Do đó, quá trình quy hoạch NTM cần điều chỉnh lại cho phù hợp.
Bà Dương Thảo Hiền cho rằng, xây dựng NTM không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn, mà phải đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn, phải thực chất góp phần nâng cao được đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, tránh tình trạng mang đô thị về nông thôn. Quy hoạch NTM phải bảo đảm kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, phải giữ được nét kiến trúc đặc trưng vùng miền. Nhà ở nông thôn quy hoạch phải đảm bảo mật độ xây dựng thấp, có đất làm vườn, ao, trồng cây cối. Đường làng ngõ xóm phải dựa vào địa hình tự nhiên, phù hợp với hiện trạng đất đai của người dân, không quy hoạch theo kiểu bàn cờ thẳng tắp như ở đô thị.
Nông thôn mà cho phân lô tách thửa chia nhỏ đất để xây nhà ống thì sẽ mất dần bản sắc nông thôn, không tạo nên hình ảnh, ký ức vùng miền. Do đó, việc nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng NTM cần có sự phối hợp giữa các ngành, các cấp để bảo đảm đáp ứng mục tiêu của quy hoạch là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng bền vững, bản sắc, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, việc đô thị hóa ở một số khu vực nông thôn theo yêu cầu phát triển phải trên nền tảng kế thừa kết quả xây dựng NTM; hạn chế tối đa trong việc xáo trộn, lãng phí trong đầu tư xây dựng.
(Bà Dương Thảo Hiền, Phó Giám đốc Sở Xây dựng)
|
Bài, ảnh: QUANG VŨ