Đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng cao của người tiêu dùng, các DN, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng bán lẻ đã xây dựng website, app bán hàng hoặc tham gia trên các trang thương mại điện tử.
Các sản phẩm của Công ty TNHH Sake toàn cầu được giới thiệu trên website. |
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Phó Giám đốc Điện máy 121 (Công ty CP Thương mại dịch vụ vận tải xây dựng 121, TP.Bà Rịa) cho biết, hiện hệ thống điện máy 121 đều áp dụng công nghệ số vào kinh doanh bán hàng. Theo đó, từ ứng dụng thương mại điện tử, thông tin về sản phẩm, giá cả, chương trình khuyến mãi đều có trên website dienmay121.com và các trang mạng xã hội.
Hàng ngày, nhân viên của công ty tương tác với khách hàng, chủ yếu cũng qua các trang mạng, hoặc website. Với những ưu thế, công nghệ số mang lại cho DN nhiều thành quả, bình quân mỗi ngày có khoảng 5.000 lượt khách hàng, trong đó 50% đơn hàng giao dịch trực tuyến thành công. Mô hình còn giúp DN giảm tất cả chi phí tối đa, về tiền mặt bằng, mang lại giá cả hợp lý cho khách hàng.
Tuy mới xâm nhập thị trường, số lượng sản phẩm chưa nhiều, chủ yếu ở mức thăm dò để xây dựng chiến lược phát triển, nhưng nhờ ứng dụng thương mại điện tử, Công ty TNHH Sake toàn cầu (508, Bình Giã, TP.Vũng Tàu) đã nhanh chóng định vị được các sản phẩm chế biến từ cây sa kê. Năm 2021, Sở Công thương hỗ trợ công ty xây dựng website sakeviet.vn để lan tỏa sản phẩm, kết nối cung cầu.
Nhờ đó, trong vòng 2 năm DN đã kết nối với nhiều đại lý phân phối khắp cả nước. Ông Phạm Đông Huy, Giám đốc Công ty TNHH Sake toàn cầu cho biết, thông qua website công ty đã đưa hình ảnh, thông tin về sản phẩm lên trang website. Từ đó, khách hàng dễ dàng tìm kiếm các sản phẩm để mua hàng và đặt hàng rất thuận tiện.
Nhờ ứng dụng qua thương mai điện tử hiện bình quân DN bán từ 6-10 tấn sản phẩm/tháng, trong đó 50% đơn hàng qua giao dịch trực tuyến. Mục tiêu của DN tới đây là sẽ tăng lên 70% bán hàng qua thương mại điện tử. Do đó, hiện DN đang tập trung cải tiến bao bì mẫu mã để hoàn thiện sản phẩm, thu hút khách hàng.
Đánh giá từ các DN cho thấy, phương thức bán hàng trực tuyến giảm chi phí thuê mặt bằng, chi phí lớn nhất trong hoạt động. Đồng thời, người mua cũng tiện dụng vì không phải đến tận nơi bán, chủ động thời gian mua hàng, không mất thời gian đi lại, mang vác hàng…
Xu hướng này đang được ngành công thương khuyến khích ứng dụng, nhằm góp phần đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động thương mại. Đến nay, Sở Công thương đã hỗ trợ hơn 20 DN, cơ sở sản xuất – kinh doanh xây dựng website thương mại điện tử; tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức và kỹ năng về thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cho DN và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ.
Ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, thời gian tới Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa ứng dụng thương mại điện tử trong DN và cộng đồng. Đây là giải pháp tất yếu cho hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN