Sản xuất nông nghiệp an toàn
Nhiều giải pháp đang được ngành nông nghiệp triển khai nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Qua đó hướng đến nền nông nghiệp an toàn với cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất.
Ông Lê Ngọc Hiền sử dụng hệ thống tưới phun tự động trên ruộng khoai môn của gia đình. |
Nông dân chuyển hướng sản xuất sạch
Trang trại bưởi Kim Long của Công ty CP CNC Kim Long (huyện Châu Đức) rộng 50ha được canh tác theo hướng hữu cơ trải dài một màu xanh mát mắt.
Bà Cao Ngọc Diệp, Giám đốc Công ty CP CNC Kim Long cho biết, trồng bưởi theo hướng hữu cơ là điều kiện tất yếu để nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời bảo vệ sức khỏe người trồng cũng như người tiêu dùng. Không những vậy, cây phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh, năng suất bình quân đến nay khoảng 25 tấn/ha/năm.
Trang trại bưởi Kim Long sử dụng hệ thống tưới phun sương và vi sinh để canh tác bưởi. Trong ảnh: Nhân công của trang trại xử lý cỏ bằng phương pháp cắt tỉa thủ công. |
“Trang trại đã lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động, sử dụng phân bón hữu cơ và các loại thuốc vi sinh để tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng có ích sinh sống, điều hòa cân bằng sinh thái trong vườn, các loại cỏ mọc được giữ lại, khi cần thiết chỉ sử dụng biện pháp thủ công để cắt tỉa, tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ. Công ty cũng đã hoàn tất hồ sơ để được cấp mã số vùng trồng”, bà Diệp cho biết.
Gắn bó với cây khoai môn 30 năm, ông Lê Ngọc Hiền (ấp Thanh An, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) cũng nhận thấy việc sản xuất theo hướng hữu cơ không chỉ bảo đảm ATVSTP mà còn nâng cao giá trị của thương hiệu khoai môn Láng Dài. Đây cũng là cách làm mà Tổ hợp tác trồng khoai môn Láng Dài áp dụng, đó là canh tác xanh, gắn với bảo vệ môi trường, hạn chế thuốc BVTV. Hiện sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao. Đây là chứng chỉ giúp nâng giá trị thương hiệu của khoai môn Láng Dài và góp phần phát triển bền vững loại nông sản này.
“Việc trồng khoai môn theo hướng sạch vừa giữ gìn được môi trường trong lành, nâng cao độ tơi xốp, bảo vệ cho đất, vừa giúp nông dân hạn chế tối đa việc phải tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bên cạnh đó, lại tiết kiệm chi phí đầu vào trong chăm sóc cây trồng”, ông Lê Ngọc Hiền nói.
Giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường
Khắc phục tình trạng nông dân sử dụng phân bón, thuốc BVTV và các chất kích thích, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT) đã và đang tích cực tuyên truyền và hướng dẫn nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang quy trình sản xuất sạch, an toàn, VietGAP, GlobalGAP.
Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, sản xuất sạch giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường là mục tiêu mà ngành nông nghiệp đang hướng tới. Do đó, ngành thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất bảo vệ môi trường cho nông dân. Đồng thời liên kết để tập trung nguồn lực của DN, phối hợp với nông dân triển khai các mô hình, dự án xử lý chất thải, tàng dư thực vật và ứng dụng các vật tư đầu vào tiên tiến theo hướng hữu cơ để giảm thiểu tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Trong đó, ngành cũng tăng cường việc hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc BVTV theo danh mục được cho phép và xử lý bao bì đúng cách đúng quy trình; hướng đến xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững.
Đến nay gần 1.600ha trồng trọt được chứng nhận sạch với sản lượng 17.000 tấn/năm. Giá trị sản phẩm sản xuất theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP hoặc tương đương chiếm 11% trên tổng giá trị ngành trồng trọt; các sản phẩm chăn nuôi theo quy trình VietGAP, GlobalGAP hoặc tương đương chiếm trên 14,5% trên tổng giá trị ngành chăn nuôi; riêng nuôi trồng thủy sản chiếm 33,2%.
|
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU