Từ đầu năm đến nay, giá thép liên tục tăng mạnh. Tuy nhiên, các DN sản xuất thép vẫn chưa hết khó khăn bởi sự tăng giá của thép chưa phản ánh nhu cầu thị trường mà chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Giá thép tăng cao nhưng sức tiêu thụ chậm vì các dự án bất động sản, xây dựng đang chững lại. |
Nguyên liệu đầu vào tăng, đẩy giá thép lên cao
Chỉ trong vòng một tháng qua, các DN thép trong nước đã điều chỉnh tăng giá 4 lần. Gần đây nhất, 2 ngày 30 và 31/1, giá thép đã được điều chỉnh tăng 2 lần liên tiếp. Trên thị trường bán lẻ, giá thép xây dựng đang dao động ở mức 15,5 - 16,5 triệu đồng/tấn tùy chủng loại và thương hiệu. Tuy nhiên, thông tin từ các đại lý cho biết, giá thép tăng nhưng sức mua thấp vì các dự án bất động sản chững lại.
Ở góc độ DN, các DN sản xuất thép cũng cho biết, để cố gắng cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh, DN đã triển khai nhiều biện pháp nhằm kích cầu. Tuy nhiên, sức tiêu thụ vẫn chậm. Sản lượng thép tồn kho giá cao hiện vẫn chưa bán hết. Ông Hồ Nam, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH Thép SMC (thuộc hệ thống Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC-KCN Phú Mỹ 1) cho biết, mấy ngày qua giá thép lên từng ngày, nhưng nhu cầu tiêu thụ giảm, so với cùng kỳ năm 2022 sức tiêu thụ giảm 60%.
Lý giải nguyên nhân giá thép tăng, các DN cho biết, giá tăng không xuất phát từ nhu cầu thị trường, mà nguyên nhân chính là từ việc giá các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép tăng cao. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá quặng sắt (Trung Quốc) hiện giao dịch ở mức 116,95-117,45 USD/tấn, tăng khoảng 6,5 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 12/2022. Giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Úc khoảng 282,5 USD/tấn FOB, tăng 52,25 USD/tấn. Giá thép phế liệu nhập khẩu tăng 50 USD/tấn giữ mức 400 USD/tấn…
Đây là nguyên nhân tuy giá thép tăng nhưng DN vẫn không có lãi vì chi phí đầu vào cao. “Giá thép ở thời điểm hiện tại đang ghi nhận đà tăng giá trở lại, song chủ yếu do mức tăng của giá nguyên liệu nhập khẩu trên thế giới, mà chưa thực sự xuất phát từ lực đẩy nhu cầu trong nước”, ông Hồ Nam cho biết thêm.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty TNHH Thép Vina Kyoei. |
Sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn
Đánh giá về thị trường trong thời gian tới, Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng ngành thép trong nước sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và có khả năng kéo dài đến quý II/2023.
Khó chồng khó khi trong bối cảnh sản xuất bị cắt giảm và giá bán nội địa tăng cao, các nhà xuất khẩu thép của Trung Quốc và Ấn Độ đồng loạt tăng lượng thép cuộn cán nóng (HRC) tại thị trường Việt Nam. Hiện nay, giá chào bán thép cuộn cán nóng HRC nhập khẩu cho thị trường Việt Nam đang dao động ở mức 560 USD/tấn, rẻ hơn trong nước từ 2,5-3,5 triệu đồng/tấn.
Trên thực tế, nhu cầu mặt hàng thép cuộn cán nóng tại Việt Nam đang ở mức thấp do ảnh hưởng bởi sự suy yếu của thị trường bất động sản cùng lãi suất tăng cao.
Để khắc phục những khó khăn trên, các chuyên gia ngành vật liệu xây dựng nhận định, DN thép cần phải nhanh chóng nâng cao khả năng sản xuất thép bằng việc tự chủ nguồn nguyên liệu, thay thế hàng nhập khẩu để đảm bảo "trụ vững" trước những biến động của thế giới.
Tuy đang đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các DN cho rằng, giá thép tăng vẫn là tín hiệu lạc quan. Bởi điểm sáng kinh tế cho năm 2023, đặc biệt mang tính hỗ trợ lớn đối với các DN sản xuất nguyên vật liệu xây dựng trong đó có sắt thép đó là chính sách thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ sẽ hỗ trợ rất lớn cho các DN.
Song song đó, nhiều dự án quan trọng quốc gia liên vùng được thực hiện, các chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA có sức lan tỏa, sẽ mở ra cơ hội cho tiêu thụ sắt thép.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thép Vina Kyoei (VKS) cũng cho biết, theo kế hoạch sản xuất năm 2023 DN dự kiến tăng 5% so với năm 2022, tuy nhiên hiện nay nhu cầu tiêu thụ rất thấp dự báo gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm, sản lượng có thể giảm so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào 6 tháng cuối năm 2023, các chính sách của nhà nước có tác động đến đầu tư công và thị trường bất động sản để có thể tăng sản lượng bán hàng, giảm giá thành sản xuất, cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh. Hiện tại thị trường chủ yếu của VKS là ở Việt Nam và xuất khẩu ở Campuchia, tương lai VKS sẽ tìm kiếm các thị trường mới nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Sản xuất thép tại Công ty TNHH Thép Vina Kyoei (KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ). |
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN