Bảo vệ và phát triển vùng đất ngập nước
Khu vực đất ngập nước ở Bà Rịa - Vũng Tàu có mức độ đa dạng sinh học cao, chứa đựng nhiều chức năng và giá trị quan trọng trong nền kinh tế và đời sống. Bảo tồn và phát triển các vùng đất ngập nước đã trở thành nhiệm vụ quan trọng được UBND tỉnh giao các địa phương phải triển khai, thực hiện ngay.
Công ty LSP đã tổ chức trồng 200 cây đước trên diện tích 0,75ha tại vùng đất ngập nước bên trong khu Tổ hợp Hóa dầu (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) vào giữa năm 2022 |
Bảo vệ vùng đất ngập nước
Theo Sở TN-MT, các vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung ở Vườn Quốc gia Côn Đảo, rừng ngập mặn ở Long Sơn và các ao đầm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu… Các vùng đất ngập nước này có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế, quý hiếm. Trong đó, đặc sắc nhất là Vườn quốc gia Côn Đảo với 14.000 ha đất ngập nước có các hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn và cỏ biển.
Theo các nhà nghiên cứu, đất ngập nước ở Côn Đảo rất đa dạng về kiểu loại, phong phú về tài nguyên, đa dạng sinh học cao, có nhiều chức năng và giá trị rất quan trọng. Nhờ phát triển du lịch theo hướng bền vững nên nhiều năm qua các vùng đất ngập nước ở Côn Đảo vẫn là điểm đến thu hút khách du lịch và các nhà nghiên cứu khoa học.
Hàng năm, Vườn quốc gia Côn Đảo đón hơn 500.000 lượt khách đến tham quan, du lịch. Trong đó, các tuyến du lịch sinh thái như: đảo Côn Sơn - các đảo nhỏ; tham quan rừng ngập mặn… được nhiều người yêu thích.
Bảo vệ các vùng đất ngập nước không chỉ là nhiệm vụ chính quyền địa phương, thời gian gần đây nhiều người dân, DN cũng ý thức rõ vai trò của các vùng đất ngập nước, từ đó có các giải pháp để bảo tồn, phát huy các vùng đất này. Bởi vậy mà ngày nay đến xã đảo Long Sơn (TP. Vũng Tàu) chúng ta vẫn dễ dàng cảm nhận được những cánh rừng ngập mặn với nhiều loài cây đặc hữu như sú, đước, vẹt, bần... giữa mênh mang sông nước.
Năm 2022, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) đã tổ chức trồng 200 cây đước trên diện tích 0,75ha tại vùng đất ngập nước bên trong khu Tổ hợp Hóa dầu. Theo tính toán của LSP, khi hoàn thành dự án LSP sẽ có tổng cộng 24,3ha diện tích rừng ngập nước được trồng thêm tại Long Sơn. Với diện tích các loại cây chịu mặn này khi được trồng thành công có thể hấp thụ khoảng 418 tấn carbon dioxide mỗi năm, góp phần làm cho môi trường ngày càng trong sạch hơn.
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT khẳng định, vùng đất ngập nước có vai trò rất lớn đối với con người và thiên nhiên bởi nó có thể lọc các chất độc hại; lưu trữ carbon giúp chống lại các tác động của biến đổi khí hậu; giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực trong điều kiện thời tiết cực đoan.
Ngoài ra, vùng đất ngập nước còn có chức năng lưu trữ nước mưa, nước chảy tràn khi mưa bão giúp giảm lũ lụt và hỗ trợ cấp nước khi hạn hán; bảo đảm nguồn cung cấp thức ăn và tạo nên các nguồn sinh kế cho người dân.
Riêng tại Bà Rịa – Vũng Tàu, đất ngập nước còn có vai trò trong việc chống sạt lở, chống xâm nhập mặm, là tấm chắn bảo vệ vùng ven biển và góp phần vào sự đa dạng sinh học của địa phương.
Phát triển kinh tế xã hội
Để bảo vệ và phát huy các vùng đất ngập nước, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4143/UBND-VP về việc Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng và các địa khẩn trương triển khai các giải pháp để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất ngập nước để góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu của địa phương.
Cụ thể, các cơ quan chức năng và địa phương cần tập trung giám sát diễn biến đa dạng sinh học trong mối liên quan với tác động do biến đổi khí hậu gây nên; nghiên cứu đưa ra các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của các hệ sinh thái, nhất là đối với hệ sinh thái biển, ven biển, hệ sinh thái nông nghiệp và hệ sinh thái đô thị.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức thống kê, kiểm kê, phân loại các vùng đất ngập nước thuộc địa bàn quản lý theo pháp luật về đất đai, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; triển khai kế hoạch trồng, phục hồi các hệ sinh thái rừng ngập mặn, vùng cửa sông, ven biển, rạn san hô, thảm cỏ biển… để tái lập sự đa dạng sinh học trước đây.
Ngoài ra, cần phải bảo vệ diện tích rừng và số loài động thực vật quý hiếm bị đe dọa trong khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu và Vườn quốc gia Côn Đảo…
Ngoài việc bảo vệ các vùng đất ngập nước, UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng có kế hoạch khai thác, phát huy giá trị của các vùng đất này thông qua các hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản…
Theo Sở TN-MT, để đạt được mục tiêu du lịch sinh thái ở các vùng đất ngập nước kết hợp với nuôi trồng thủy sản, chính quyền địa phương các cấp cần nghiêm cấm tuyệt đối việc khai thác rừng ngập mặn. Ngoài ra, cũng cần có các cơ chế chính sách, hỗ trợ vốn cho cộng đồng để trồng mới, giao quyền quản lý và sử dụng cho cộng đồng khai thác lâu dài, nhằm bảo đảm cuộc sống cho các hộ dân sinh sống.
Ngày đất ngập nước thế giới năm 2023 được Ban thư ký Công ước Ramsar lấy chủ đề là “Hãy phục hồi đất ngập nước ngay từ hôm nay - Hơn 35% diện tích đất ngập nước tự nhiên đã bị mất trong 50 năm qua. Lựa chọn, tiếng nói và hành động của bạn thúc đẩy xu hướng phục hồi đất ngập nước”. Ngày đất ngập nước thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 2/2 nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác động của các vùng đất ngập nước đối với nhân loại và hành tinh, từ đó thúc đẩy các hành động dẫn bảo tồn, sử dụng hợp lý và phục hồi chúng. |
Bài, ảnh: QUANG VŨ