Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, tức là khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện cũng tăng và ngược lại. Đề xuất này của EVN khiến người dân, DN lo lắng, đặc biệt là trong bối cảnh các DN đang nỗ lực hồi phục sau đại dịch.
Nhân viên Điện lực Long Điền sửa chữa, bảo trì trạm biến áp 110kV An Ngãi. Ảnh: ĐÔNG HIẾU |
Chi phí đầu vào tăng
Theo EVN, giá bán lẻ điện bình quân được Chính phủ, Bộ Công thương cho phép điều chỉnh gần nhất là ngày 20/3/2019 và giữ nguyên đến nay. Từ đầu năm 2022, giá nhiên liệu thế giới và trong nước tăng đột biến khiến chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng cao, trong đó giá than nhập khẩu đã tăng hơn 3 lần. EVN đã rà soát kỹ các khoản chi phí, tiết kiệm, cắt giảm tối đa chi phí. Tuy nhiên, kết quả tính toán giá điện theo quy định tại Quyết định 24/2017/QĐĐ-TTg cho thấy, chi phí đầu vào đã tăng cao hơn nhiều so với giá bán lẻ điện bình quân hiện nay. Riêng năm 2022, EVN ghi nhận lỗ hơn 31 ngàn tỷ đồng.
Đánh giá về đề xuất áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản (Baseafood) cho biết, công suất của công ty đạt 8.500 tấn/năm. Hệ thống dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất, máy nén đông lạnh, đông lạnh cấp điện... của Baseafood chiếm khoảng 60% tổng số điện năng tiêu thụ. Chỉ tính riêng nhà máy Baseafood 1, mỗi tháng sử dụng khoảng 440 ngàn kWh, với số tiền khoảng 750 triệu đồng. Nếu như giá điện tăng gần 8,4% theo đề xuất của EVN, chi phí tiền điện của 4 nhà máy thuộc hệ thống Baseafood sẽ tăng thêm 2 tỷ đồng/năm, tức tăng thêm khoảng 1% tổng chi phí sản xuất.
EVN đã có kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế thị trường với giá điện. Hiện nay, Bộ Công thương đang yêu cầu EVN phối hợp với các cơ quan liên quan và Tổng cục Thống kê đánh giá kỹ việc điều chỉnh giá điện vì việc tăng giá điện sẽ có tác động nhất định đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt. Do vậy, chúng tôi cũng đang chờ ý kiến và hướng dẫn của Bộ Công thương, EVN về việc điều chỉnh giá điện bán lẻ (nếu có) trong năm 2023 để triển khai kịp thời.
(Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu)
|
Việc tăng giá điện sẽ kéo các chi phí sản xuất khác tăng theo, trong khi các DN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, xung đột Nga - Ukraine và lãi suất ngân hàng cao. Chi phí tăng khiến sức cạnh tranh của DN xuất khẩu yếu, gây khó khăn kép cho DN. Nếu chi phí sản xuất tiếp tục tăng cao trong khi khách hàng không chấp nhận tăng giá, DN sẽ đối mặt bài toán: một là chịu lỗ, hai là giảm đơn hàng, nguy cơ mất thị trường.
“Giá điện tăng theo thị trường là điều khó tránh khỏi, nhưng mức tăng như đề xuất của EVN là quá lớn. Do đó, Chính phủ cần xem xét giá điện ở mức phù hợp hơn và tăng theo lộ trình. Điều này sẽ góp phần giảm tải áp lực cho người tiêu dùng, đặc biệt là các DN”, ông Tường đề nghị.
Tương tự, nhiều người dân cũng bày tỏ lo lắng khi giá điện được áp dụng theo cơ chế thị trường. Ông Bùi Xuân Trường (phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu) lo ngại, giá điện được điều chỉnh như giá xăng sẽ gây khó khăn cho người dân. Bởi, điện sử dụng hằng ngày, nhất là ở những nơi nắng nóng. Đặc biệt, vào mùa cao điểm, nhu cầu sử dụng rất lớn, kéo theo đó giá cũng sẽ thay đổi và tăng cao. “Cơ quan chức năng cần kiểm soát, giám sát chặt chẽ giá điện, tránh tình trạng tăng giá không hợp lý, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của DN cũng như chi phí sinh hoạt của người dân”, ông Trường đề nghị.
Để tiết kiệm điện, nhân viên Công ty Baseafood thường xuyên theo dõi các chỉ số máy móc nhằm điều chỉnh kịp thời. Ảnh: HỒNG PHÚC |
Tránh điều hành giật cục
Theo Bộ Công thương, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân thực hiện theo Quyết định 24 dựa trên nguyên tắc là nếu thông số đầu vào thay đổi, làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3% trở lên thì được phép điều chỉnh tăng và ngược lại. Tuy nhiên, mặt hàng này ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, đời sống người dân nên việc điều chỉnh cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công thương đang yêu cầu EVN phối hợp các cơ quan liên quan và Tổng cục Thống kê đánh giá kỹ việc điều chỉnh giá điện. Từ đó, đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023, bảo đảm cân nhắc đầy đủ tác động tới kinh tế vĩ mô, hoạt động của DN và đời sống người dân.
Tại hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu ngày 3/2, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt khung giá điện bán lẻ bình quân làm căn cứ cho việc điều hành giá và huy động các nguồn điện, kể cả việc nhập khẩu điện từ Lào.
Tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ, việc triển khai chính sách về giá điện cần khẩn trương làm nhưng phải phù hợp với nền kinh tế, thu nhập người dân. Trong việc mua bán điện cần đàm phán để hài hòa lợi ích, chia sẻ khó khăn. Thủ tướng hoan nghênh Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 15 và cho biết sẵn sàng đối thoại với các bên mua bán điện. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý giá điện khi đưa ra bàn thảo phải hợp lý và làm sao để điều hành không giật cục.
DN xuất khẩu lo ngại việc tăng giá điện sẽ làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa. Trong ảnh: Nhân viên Baseafood kiểm hàng tại kho đông lạnh. Ảnh: KIM HỒNG |
“Giá điện của nước ta không thể giống các nước phát triển, giá quá cao thì người dân, DN và nền kinh tế không chịu được. Bộ Công thương phải suy nghĩ thấu đáo vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, DN và người dân, đồng thời tránh điều hành giật cục, cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu.
HỒNG PHÚC