“Ngày hội tái chế chất thải năm 2022” và các hoạt động truyền thông về phân loại rác vừa diễn ra tại TP. Vũng Tàu góp phần thay đổi từ nhận thức đến hành động của người dân. Từ đó hình thành lối sống thân thiện với môi trường.
Chị Trịnh Thúy Hồng (bìa trái, ngụ 19, Nguyễn Văn Cừ, phường 9, TP. Vũng Tàu) mang rác tái chế đến đổi quà. |
Vừa bảo vệ môi trường vừa có quà
“Ngày hội tái chế chất thải năm 2022” do Sở TN-MT tổ chức với nhiều gian hàng thu đổi chất thải để nhận những quà tặng hữu ích như: sữa, dầu ăn, nước mắm, xà bông, bánh, kẹo, đường, bột ngọt. Ngay từ sáng sớm, chị Trịnh Thúy Hồng (19 Nguyễn Văn Cừ, phường 9) đã mang đến ngày hội một bọc lớn đựng giấy, bìa carton, lon bia, hộp sữa. Đây là những loại rác phát sinh trong gia đình chị. Biết chúng có khả năng tái chế nên chị đã phân loại và sau một tháng thì gom được gần 10kg giấy, nhôm và nhựa - tương đương với 84.400 điểm. Chị được đổi lấy bình nước, hộp đựng thức ăn thủy tinh, bột |giặt, sữa.
“Tôi thực hiện phân loại rác tái chế từ nhiều năm nay. Tôi nghĩ việc này vừa giảm áp lực cho những người thu gom rác, bảo vệ môi trường vừa có thể bán lấy tiền hoặc nhận quà tặng tương ứng”, chị Hồng chia sẻ.
Còn chị Sỳ A Chánh, Chi hội phó Chi hội phụ nữ KP.4 phường 7 cho hay, chị vẫn thường xuyên vận động chị em phụ nữ trong khu phố thực hiện phân loại rác tái chế tại nhà. Sau mỗi tháng sẽ gom lại bán cho các cơ sở thu mua. “Chúng tôi sử dụng một phần nguồn thu của hoạt động này đóng góp vào quỹ của chi hội. Từ đó có kinh phí cho các hoạt động xã hội như ủng hộ người nghèo, chăm lo Tết cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”, chị Chánh nói.
Nhiều lợi ích với môi trường sống
Theo Sở TN-MT, rác tái chế là tên gọi chung của những loại rác thải đã qua sử dụng nhưng vẫn còn có khả năng tái chế để tạo thành các đồ vật khác, có ích cho cuộc sống của con người. Tất cả các loại sách, vở, báo, tạp chí, thùng carton, bao bì đựng thức ăn bằng giấy, bao bì nhựa, đồ nhựa, những vật dụng làm từ kim loại như nhôm, đồng, sắt, inox đều coi là rác tái chế.
Nhiều em học sinh thu gom pin, bóng đèn hư đến đổi quà tại điểm thu đổi chất thải nguy hại. |
Sau khi phân loại, rác tái chế sẽ được đưa đến các nhà máy chuyên tái chế xử lý và tái tạo mới. Nếu không đem đi tái chế thành vật dụng mới, những loại rác nằm trong dòng rác tái chế sẽ được tiến hành tiêu hủy như rác thải thông thường. Đương nhiên quá trình tiêu hủy bằng chôn lấp hay đốt sẽ gây ô nhiêm môi trường đất, nước và không khí.
Ông Phan Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở TN-MT phân tích thêm, phân loại rác thải, rác tái chế tại nhà sẽ mang lại nhiều lợi ích với môi trường sống như: giảm lượng rác thải ra môi trường một cách đáng kể, tiết kiệm thêm nhiều khoản chi phí khác như thu gom, vận chuyển và xử lý. Xây dựng ý thức phân loại rác thải và để rác đúng nơi quy định của mỗi người sẽ giúp giảm những chất thải rắn từ rác, mang lại nguồn kinh tế lớn từ các chất thải có khả năng tái chế và sử dụng lại.
Tái chế rác thải là một trong những giải pháp giúp hạn chế việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cụ thể, 135 tấn rác tái chế có thể tiết kiệm được 3,5 triệu lít nước, 1,9 triệu cây xanh, 500.000 KW/h, giảm 3 tấn chất làm ô nhiễm không khí và 1.300m3 đất để chôn lấp.
Theo nghiên cứu, nếu sử dụng 30% rác tái chế mỗi năm sẽ tiết kiệm gần 45 tỷ lít dầu và giảm khí thải nhà kính tương đương như giảm 25 triệu ô tô chạy trên đường.
|
“Khi phân loại rác thải, chúng ta đã góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên, tiết kiệm thời gian xử lý. Đặc biệt, mang lại nhiều lợi ích từ việc tận dụng nguồn chất thải đó vào công cuộc tái chế thành các sản phẩm khác có ích trong cuộc sống hằng ngày”, ông Mạnh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: QUANG VŨ