Những người con làm nên thương hiệu "khoai môn Láng Dài"

Thứ Sáu, 23/12/2022, 19:04 [GMT+7]
In bài này
.

Từ dải đất miền Trung nắng gió, những người con từ Quang Nam-Đà Nẵng đã chọn Bà Rịa-Vũng Tàu là nơi an cư lạc nghiệp. Họ đã cùng nhau xây dựng, phát triển nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương, trong đó có khoai môn tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ.

Thu hoạch khoai môn tại xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ).
Thu hoạch khoai môn tại xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ).

Gắn kết, hỗ trợ phát triển kinh tế

Huyện Đất Đỏ hiện có hơn 500 hộ gia đình từ quê hương Quang Nam-Đà Nẵng vào sinh sống, định cư. Trong đó xã Láng Dài có hơn 300 hộ và nhiều gia đình đã chọn trồng cây khoai môn để phát triển kinh tế. Ông Châu Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng tại huyện Đất Đỏ cho biết, từ những năm 90, mô hình trồng khoai môn đã bắt đầu xuất hiện tại xã Láng Dài. Được sự hỗ trợ, định hướng từ địa phương cùng với sự chịu thương, chịu khó của những người con miền Trung, khoai môn nhanh chóng bén rễ và từng bước mở rộng diện tích trồng, trở thành “đặc sản” của địa phương và cũng là nguồn kinh tế chính của nhiều gia đình.

Ông Lê Văn Hải (ấp Thanh An, xã Láng Dài) từ đất Quảng Nam vào đây sinh sống từ năm 1992. Thấy những người hàng xóm cùng quê trồng cây khoai môn, ông cũng học để trồng theo. Từ 1-2 sào ban đầu, đến nay ông đã mở rộng lên 1,2ha, cây khoai môn cũng mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Ông Hải chia sẻ, cây khoai môn ít sâu bệnh, khả năng chịu úng ngập tốt và không mất nhiều công chăm sóc, nên khá phù hợp với điều kiện và trình độ sản xuất của người dân. Để cây đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao, người trồng cần chú ý làm sạch cỏ, giữ đủ nước trên bề mặt ruộng để cây sinh trưởng, phát triển tốt và hạn chế được sâu bệnh gây hại. Hiện nay, trung bình mỗi vụ, gia đình ông thu khoảng 20 tấn khoai, với giá bán dao động từ 14-20 ngàn đồng/kg (tùy thời điểm), mỗi năm gia đình ông Hải có thu nhập từ 150-200 triệu đồng.

Từ lúc được một người cùng quê Quảng Nam giới thiệu trồng khoai môn, đến nay ông Lê Ngọc Hiền (ấp Thanh An, xã Láng Dài) cũng đã gắn bó với cây khoai môn 30 năm. Nhờ tuân thủ nghiêm và thực hiện đúng quy trình sản xuất, nên diện tích khoai môn của gia đình ông sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt hơn 22 tấn/ha. Theo ông Hiền, với hình thức trồng gối vụ, khoai môn cho thu hoạch liên tục. Không chỉ phù hợp với thổ nhưỡng cây khoai môn hiện đang được thị trường rất ưa chuộng. Do đó, gia đình ông làm ra đến đâu đều được thương lái thu mua tới đó, thậm chí thời điểm này còn không có hàng để bán. Thu nhập từ cây khoai môn mang lại cho gia đình ông từ 200-300 triệu đồng/năm. 

“Chúng tôi ở đây đều là anh em hàng xóm cũng là đồng hương nên thương xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Nhờ đó, mô hình trồng khoai môn tại địa phương nhanh chóng phát triển. So với các loại cây trồng khác như: lúa, mì, bắp,... cây khoai môn cho năng suất và thu nhập tốt hơn rất nhiều ”, ông Hiền cho hay.

Tháng 3/2022, khoai môn Láng Dài được gắn sao 3 sao sản phẩm OCOP. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của các thành viên trong Tổ liên kết sản xuất khoai môn Láng Dài (huyện Đất Đỏ) và sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương trong việc xây dựng thương hiệu khoai môn trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện.

 

Xây dựng thương hiệu “khoai môn Láng Dài”

Ông Phạm Hữu, người trồng khoai môn ở xã Láng Dài cho biết, ngoài phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, năng suất cao, khoai môn còn là sản phẩm giàu chất dinh dưỡng. Do đó, ông cùng các thành viên trong Tổ liên kết đã từng bước phát triển về diện tích cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện xã Láng Dài có hơn 22 hộ, diện tích 11,9ha, hộ trồng, tập trung nhiều nhất ở ấp Thanh An và ấp Cây Cám, với tổng sản lượng hơn 235 tấn/năm.

Năm 2021, ông Hữu đã thành lập tổ hợp tác khoai môn Láng Dài, tạo nên vùng nguyên liệu tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP. Tổ liên kết được địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để tham gia các lớp tập huấn, nắm vững kiến thức và các bước để hoàn thiện sản phẩm OCOP như: thẩm định yếu tố an toàn về môi trường xung quanh và nơi sản xuất; chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm; tem truy xuất nguồn gốc; phương thức đóng gói, bảo quản đáp ứng yêu cầu đối với sản phẩm chuẩn OCOP... 

Chương trình OCOP đã giúp cho củ khoai môn từ sản phẩm bình dân, được nâng tầm chất lượng và thương hiệu. Việc đạt chứng nhận 3 sao góp phần rất lớn giúp Tổ liên kết nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, nâng sức cạnh tranh trên thị trường và phát triển bền vững.

Ông Châu Văn Thành, Chủ tịch hội đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng tại huyện Đất Đỏ cho biết, những người con từ quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng vào đây sinh sống không chỉ chọn cây khoai môn để phát triển kinh mà còn mong muốn xây dựng, phát triển loại cây này trở thành sản phẩm đặc trưng, mang thương hiệu địa phương. 

“Hội đồng hương chúng tôi cũng tích cực vận động các thành viên cùng quê hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để phát triển kinh tế. Người có kinh nghiệm hướng dẫn cho người ít kinh nghiệm hơn. Ai có giống thì san sẻ cho những người còn gặp khó khăn. Nhờ sự đồng lòng, giúp đỡ lẫn nhau, ấp Thanh An (xã Láng Dài) đã trở thành nơi những người con cùng quê xây dựng, phát triển làm giàu cho mảnh đất nơi chúng tôi chọn để gắn bó”, ông Thành nói thêm.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

 
;
.