Liên kết phát triển vùng Đông Nam Bộ

Thứ Hai, 05/12/2022, 19:50 [GMT+7]
In bài này
.

Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị chỉ rõ đưa Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, có động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước. Để đạt mục tiêu này, ngoài tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở sự phát triển thì vai trò của mỗi địa phương trong vùng cũng hết sức quan trọng.

Đường 911B từ Quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép - Thị Vải đưa vào sử dụng đã tạo thêm kết nối cho khu vực cảng với các địa phương trong vùng.  Ảnh: THANH NGA
Đường 911B từ Quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép - Thị Vải đưa vào sử dụng đã tạo thêm kết nối cho khu vực cảng với các địa phương trong vùng. Ảnh: THANH NGA

KHAI THÁC THẾ MẠNH TỪNG ĐỊA PHƯƠNG

Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm 6 tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh. Đây là khu vực trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn nhất của cả nước.

Tuy nhiên, tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 53-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX; Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển vùng Đông Nam Bộ chỉ rõ, Đông Nam Bộ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp, công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm…

Để đưa Đông Nam Bộ trở thành đầu tàu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị nêu rõ mục tiêu, phấn đấu đến năm 2030, Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng “chính quyền số”, “kinh tế số”, “xã hội số”.

Tầm nhìn đến năm 2045, Đông Nam bộ sẽ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ…

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông, từng địa phương trong vùng sẽ có những định hướng phát triển riêng. Chẳng hạn, Bà Rịa - Vũng Tàu được định hướng phát triển thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cả cảng biển du lịch và các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao, các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao. TP. Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.

Tiểu vùng trung tâm gồm TP. Hồ Chí Minh, khu vực phía nam tỉnh Bình Dương, tây nam tỉnh Đồng Nai sẽ là trung tâm phát triển của toàn vùng, nổi bật với các thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, dịch vụ chất lượng cao, giáo dục - đào tạo, y tế và đầu mối giao thương với quốc tế. 

TP.Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân sẽ tập trung chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ tài chính quốc tế. Thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế.

Tiểu vùng ven biển gồm khu vực Cần Giờ và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là khu vực phát triển mạnh các ngành kinh tế biển như cảng biển, logistics, khai thác dầu khí, hóa dầu, du lịch biển đảo, khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản. 

Hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ. Tiểu vùng phía bắc gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và khu vực phía bắc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương là khu phát triển kinh tế cửa khẩu, kho vận, mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng...

Việc đầu tư giao thông kết nối vùng sẽ khai thác tối đa công suất cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.  Trong ảnh: Tàu trọng tải trên 150 ngàn tấn cập cảng làm hàng tại Cảng Gemalink. Ảnh: THANH NGA
Việc đầu tư giao thông kết nối vùng sẽ khai thác tối đa công suất cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Trong ảnh: Tàu trọng tải trên 150 ngàn tấn cập cảng làm hàng tại Cảng Gemalink. Ảnh: THANH NGA

KHƠI THÔNG CÁC ĐIỂM NGHẼN

Mục tiêu, tầm nhìn rõ ràng như vậy, tuy nhiên để phát triển vùng cần khơi thông nhiều điểm nghẽn, trước hết là về hạ tầng giao thông kết nối. Hiện nay, hệ thống giao thông vùng hiện đang quá tải, phát triển kém; các dự án được quy hoạch mang tính kết nối liên vùng như cao tốc và vành đai đều đang chậm triển khai.

Ngoài ra, hệ thống giao thông kết nối trực tiếp giữa các tỉnh với nhau chưa được quan tâm đúng mức. Trục giao thông được các tỉnh tập trung đầu tư thường kết nối với TP. Hồ Chí Minh dẫn đến kéo dài hành trình, tăng lượng xe quá cảnh qua khu vực và chưa thuận tiện cho sự tương trợ phát triển chung của toàn vùng.

Để gỡ những "nút thắt" giao thông ảnh hưởng đến sự phát triển và năng lực cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng gắn với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay thông qua các tuyến đường bộ cao tốc.

Theo Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng, tới đây, hàng loạt dự án trọng điểm sẽ tập trung đầu tư tại vùng Đông Nam Bộ gồm đường bộ (các tuyến cao tốc, vành đai), đường sắt (nâng cấp tuyến đường sắt Bắc-Nam, đầu tư đường sắt đô thị, đường sắt chở hàng), đường thủy nội địa (cải tạo và hoàn thành các luồng tuyến vận tải thủy nội địa); hàng hải (đầu tư các cảng biển, hình thành các trung tâm logistic lớn), hàng không (đầu tư vào các sân bay). 

Quốc lộ 56 - Tuyến tránh TP.Bà Rịa rút ngắn quãng đường vận chuyển hàng hóa từ các khu vực Châu Đức, Xuyên Mộc, Bà Rịa, tỉnh Đồng Nai, miền Trung Tây Nguyên đi TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Quốc lộ 56 - Tuyến tránh TP.Bà Rịa rút ngắn quãng đường vận chuyển hàng hóa từ các khu vực Châu Đức, Xuyên Mộc, Bà Rịa, tỉnh Đồng Nai, miền Trung Tây Nguyên đi TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Để tạo đột phá trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng cho rằng cần đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các tỉnh, thành phố trong vùng trong công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư; đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng. Đồng thời phân cấp phân quyền mạnh mẽ, triệt để cho các địa phương trong công tác đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông do Trung ương quản lý trên địa bàn để phát huy tính chủ động của các địa phương trong huy động nguồn lực đầu tư. Có cơ chế, chính sách sáng tạo, đột phá trong huy động vốn tư nhân, các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.

Ở góc độ địa phương, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất, để tạo sự liên kết và phát huy lợi thế tiềm năng của vùng, Bộ Chính trị song song ban hành 6 nghị quyết cho 6 vùng của cả nước cần ban hành quy chế làm việc có tính chất quy chế mẫu cho 6 vùng để tránh sự lỏng lẻo, hình thức như thời gian qua. Trước mắt, trong năm 2023 tổ chức ký kết liên kết đào tạo nguồn nhân lực giữa các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam với TP. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu tổ chức xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch chung giữa các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ. 

Trong khi đó, theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND. TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần có cơ chế phối hợp đồng bộ, kịp thời và hiệu quả giữa các địa phương trong vùng và các bộ ngành có liên quan trong việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo Nghị quyết 24 trên địa bàn cả vùng. Trước mắt là sự phối hợp và điều phối chung trong công tác quy hoạch của các địa phương và quy hoạch Vùng; triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối…

Sớm hoàn thành quy hoạch vùng làm cơ sở triển khai đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối; có các chính sách để các địa phương phối hợp trong công tác đào tạo, thu hút và cung ứng lao động là những vấn đề mà lãnh đạo tỉnh Bình Dương đặt ra nhằm tạo động lực cho vùng Đông Nam Bộ phát triển. Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng đề xuất Chính phủ cần xem xét cơ chế thúc đẩy, phân bổ nguồn lực đầu tư phù hợp với điều kiện từng địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm; có cơ chế đặc thù cho vùng trong điều tiết ngân sách cũng như quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho các tỉnh trong vùng.

LAM GIANG

 

;
.