.

Giảm lãi suất tiếp sức doanh nghiệp

Cập nhật: 20:21, 04/12/2022 (GMT+7)

Trong 10 ngày gần đây, 3 ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay từ 0,5-3,5% là Vietcombank, HDBank và Agribank. Việc hạ lãi suất được ví như “làn gió mát”, giúp giảm bớt áp lực về lãi suất cho vay với DN. Các DN đang kỳ vọng,  động thái này sẽ tạo nên làn sóng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.

Khách hàng giao dịch tại Agribank, Chi nhánh Vũng Tàu.
Khách hàng giao dịch tại Agribank, Chi nhánh Vũng Tàu.

Hỗ trợ khách hàng cuối năm

Ông Nguyễn Văn Liệu, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Vũng Tàu cho biết, từ 1/12 đến 31/12/2022, Agribank tiếp tục giảm 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng, đối với dư nợ tại thời điểm 30/11/2022 để hỗ trợ khách hàng khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh. Đối tượng hưởng chính sách giảm lãi suất của Agribank bao gồm khách hàng DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang gặp khó khăn, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.

Khách hàng DN, cá nhân có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, hoặc có mục đích vay vốn kinh doanh xăng dầu… Đối với dư nợ phát sinh từ ngày 1 đến 31/12/2022, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực. Nghĩa là, một khoản vay của khách hàng trong diện thụ hưởng chính sách nêu trên của Agribank đang phải trả ngân hàng 10%/năm thì nay chỉ phải trả 8%/năm.  

Ước tính, năm 2022, hệ thống Agribank tiết giảm khoảng 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho 2,2 triệu khách hàng. “Đây là nỗ lực của Agribank trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ở mức cao như hiện nay, thể hiện trách nhiệm của ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện nghiêm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, ông Liệu nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 28/11, HDBank cũng giảm mạnh lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm cho hơn 43.000 khách hàng cá nhân và DN ở các nhóm ngành nghề khác. Tổng số tiền được giảm lãi suất 120 tỷ đồng. Chương trình áp dụng từ 1/11 đến 31/12/2022. Theo đó, đối với khách hàng cá nhân, HDBank giảm lãi suất cho khách hàng vay sản xuất kinh doanh và kinh tế nông nghiệp nông thôn với mức giảm từ 0,5%/năm đến 3,5%/năm. Ước tính, sẽ có 38.000 khách hàng cá nhân trên cả nước với 45.000 khoản vay được giảm lãi suất.

Đối với khách hàng DN, HDBank giảm lãi suất từ 0,5%/năm đến 2,5%/năm thuộc các lĩnh vực: Xuất nhập khẩu; DN tại các khu chế xuất-khu công nghiệp; nông nghiệp; giao thông vận tải; DNNVV; siêu nhỏ; công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, giáo dục- đào tạo; dịch vụ thông tin; lưu trú, ăn uống. Hơn 5.000 khách hàng DN trên cả nước với gần 10.000 khoản vay sẽ được giảm lãi suất.

Vietcombank là ngân hàng đầu tiên công bố giảm đồng loạt lãi suất cho vay tới 1%/năm đối với các khách hàng DN và khách hàng cá nhân hiện hữu. Chương trình này được Vietcombank công bố tối 24/11. Theo đó, sẽ có hơn 175.000 khách hàng đang vay vốn tại Vietcombank được giảm tới 1% lãi suất cho vay dịp cuối năm. Đây là đợt giảm lãi suất với quy mô dư nợ lớn nhất của ngân hàng, nhằm chia sẻ khó khăn cùng người vay vốn. Lãnh đạo Vietcombank cho biết, nhiều đối tượng khách hàng được giảm trong đợt này, trong đó nhóm sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, hoạt động nông nghiệp, môi trường... có quy mô dư nợ khoảng 500.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% danh mục tín dụng của Vietcombank.

DN mong tiếp cận vốn vay

Thời gian qua, đặc biệt từ cuối tháng 9 đến nay, lãi suất huy động liên tục tăng cao, đẩy lãi suất cho vay lên cao. Theo phản ánh của các DN, từ chỗ lãi vay chỉ 6 - 7%/năm đã vọt lên mức 10 - 13%/năm. Đối với cá nhân vay mua nhà, mua xe, mặt bằng lãi suất cho vay đã lên mức 13-14%/năm, chưa kể chi phí mua bảo hiểm khiến người vay “đau đầu” vì lãi suất. 

Việc một số ngân hàng hạ lãi suất cho vay được ví như “làn gió mát”, giúp DN vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh, bên cạnh hạ lãi suất cho vay, DN cũng mong muốn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi, để kịp thời phục vụ cho cao điểm sản xuất kinh doanh cuối năm. Đây có lẽ cũng là mong muốn của các DNNVV trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình đó, ngày 22/11/2022 NHNN đã  có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Theo NHNN, đến giữa tháng 11/2022, tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 11,5% so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% định hướng toàn hệ thống năm 2022. Do đó, các ngân hàng vẫn còn dư địa để tiếp tục tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của DN, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

NHNN yêu cầu các ngân hàng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Từ đầu năm đến nay, chương trình kết nối Ngân hàng- Doanh nghiệp được các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục giải ngân theo hợp đồng tín dụng đã ký kết để bổ sung nguồn vốn cho DN phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến cuối tháng 10/2022, doanh số cho vay trong tháng ước đạt 80 tỷ đồng (lũy kế từ đầu năm ước đạt 2.150 tỷ đồng, từ đầu chương trình đạt 21.910 tỷ đồng) với 64 DN vay vốn, dư nợ 6.750 tỷ đồng (35 DN còn dư nợ).
(Nguồn: NHNN, Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Bài, ảnh: PHAN HÀ

.
.
.