.

Giữ chân lao động dịp cuối năm

Cập nhật: 19:03, 02/12/2022 (GMT+7)

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn như  đơn hàng giảm mạnh, thiếu nguyên phụ liệu sản xuất, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chấp nhận giảm lợi nhuận để hỗ trợ người lao động.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng các DN vẫn nỗ lực giữ chân người lao động.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng các DN vẫn nỗ lực giữ chân người lao động.

Nỗ lực giữ việc cho công nhân

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xuất khẩu sợi, từ tháng 7/2022 đến nay Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam (huyện Châu Đức) gặp khó khăn do đơn hàng giảm mạnh, từ  7.000 tấn sản phẩm/tháng xuống còn 3.500 tấn/tháng. Để giữ chân 1.700 lao động, DN đã tìm cách khắc phục khó khăn theo hướng không sa thải công nhân, nhưng sẽ giãn giờ làm để duy trì lực lượng lao động cho năm tới. hoạt động trong lĩnh.

Bà Wong Pui Ching, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam chia sẻ, dù công ty cũng rất chật vật khi thiếu đơn hàng như các đơn vị khác trong ngành dệt may. "Tuy nhiên, chúng tôi nỗ lực giữ chân lao động chứ không cắt giảm. Về chế độ phúc lợi, công ty vẫn duy trì các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để người lao động yên tâm làm việc và chia sẻ khó khăn cùng DN. Công ty  giữ nguyên chế độ, lương và cam kết thưởng tháng lương 13 cho dịp Tết như thông thường. Hiện công ty đang thực hiện tiếp các đơn hàng tồn kho đến tháng 3/2023 và chờ thị trường thay đổi sau Tết nguyên đán" , bà Wong Pui Ching nói.

Công ty TNHH Forimex Thịnh Hoàng (TX. Phú Mỹ) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm gỗ nội thất các loại và xuất khẩu 100% sang châu Âu và Nhật, Canada, Mỹ. Nửa đầu năm 2022, tình hình xuất khẩu công ty khá thuận lợi, nên đã đạt đến 70% kế hoạch năm. Tuy nhiên từ tháng 8/2022 với tình hình lạm phát cao tại thị trường Mỹ, châu Âu và những xáo trộn về tồn kho hàng hóa sau dịch COVID-19, tình hình xuất khẩu của công ty gặp nhiều khó khăn, giảm hẳn khoảng 80% đơn hàng so vơi các tháng trước đó, nhất là 2 tháng cuối năm công ty chỉ sản xuất những đơn hàng tồn, không có đơn hàng mới. Hiện công ty đang sắp xếp sản xuất tinh gọn, giảm chi phí sản xuất, đặc biệt là cố gắng không cho người lao động nghỉ việc, bởi với ngành chế biến gỗ, lao động phải có tay nghề.

Ông Võ Ngọc Tường Linh, Giám đốc Công ty TNHH Forimex Thịnh Hoàng cho biết, khó khăn là do thị trường Châu âu và Mỹ hàng tồn kho còn nhiều thứ hai là suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của chiến tranh Nga – Ucraina nên nhiều đơn hàng bị hủy.  "Để giữ việc cho công nhân trong giai đoạn này, chúng tôi phải thay đổi cách làm việc và nỗ lực rất nhiều. Đơn cử như nhận đơn hàng đa dạng chủng loại, sẵn sàng điều chỉnh máy móc đáp ứng yêu cầu của khách. Cùng đó, chủ động tìm khách hàng, không đặt cược tất cả hy vọng vào khách hàng cũ, mà linh động tìm thêm đối tác mới; chấp nhận làm hòa vốn, thậm chí chịu lỗ để có đơn hàng, giữ việc và để công nhân được tăng ca', ông Võ Ngọc Tường Linh chia sẻ.

Tiếp sức cho doanh nghiệp

Toàn tỉnh có khoảng 65 ngàn công nhân đang làm việc trong các KCN, CCN. Nếu như những năm trước đây cứ vào dịp cuối năm, các DN ồ ạt tuyển dụng thêm lao động để hoàn tất đơn hàng, thì năm nay trước bối cảnh kinh tế kinh thế giới đang gặp nhiều khó khăn, khiến nhiều DN bị sụt giảm đơn hàng. Trong đó nhóm ngành hàng chịu tác động nhiều nhất là may mặc, giày da, túi xách, gỗ, thủ công mỹ nghệ, thủy hải sản…Nguyên nhân là do những ngành này chủ yếu dựa vào sức lao động, gia công là chính, nên khi thị trường thế giới biến động, công nhân bị ảnh hưởng.  Các DN chủ yếu duy trì việc làm cầm chừng cho người lao động với mức lương khá sát lương tối thiểu cho khung việc làm 8 tiếng/ngày

 Tuy nhiên, theo các DN đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài Chính phủ và chính quyền địa phương cần phát huy vai trò hỗ trợ DN bằng các chi phí tăng thêm như hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp cho các DN khi người lao động đang đứng trước ngưỡng cửa mất việc, giảm tiền điện nước, mặt bằng, thuê đất… Qua đó giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng chống chịu khó khăn vừa giải quyết sinh kế, thu nhập tạm thời cho người lao động. Đồng thời, Bộ Công g thương cần liên kết với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để cung cấp thông tin, diễn biến mới về các thị trường, ngành hàng để DN biết, chủ động trong điều hành sản xuất, kinh doanh cho phù hợp;  tổ chức các đợt xúc tiến thương mại trong nước, nước ngoài giúp dn tìm thêm đối tác, thị trường xuất khẩu.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.