Cuối tháng 11 vừa qua, lô bưởi tươi đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu qua Mỹ sau hơn 5 năm đàm phán. Đây chính là động lực để người trồng bưởi tại Bà Rịa-Vũng Tàu xây dựng thương hiệu, chú trọng nâng cao các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, hình thành vùng chuyên canh trồng bưởi theo hướng hữu cơ để xuất khẩu.
Trang trại bưởi hữu cơ Hoàng Long 1 của gia đình ông Trương Văn Út (phường Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ) đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Châu Âu. |
Thay đổi thói quen canh tác
Nói đến xã Sông Xoài (TX.Phú Mỹ) nhiều người không còn xa lạ với thương hiệu “Bưởi da xanh Sông Xoài”. Những năm trước, do lợi nhuận từ trồng bưởi cao, nên diện tích bưởi trên địa bàn xã Sông Xoài đã tăng lên nhanh chóng.
Lợi nhuận cao cũng khiến người trồng bấp chấp sản xuất không theo quy trình, lạm dụng quá nhiều phân, thuốc hóa học. Chính vì vậy, chất lượng bưởi da xanh tại đây bắt đầu đi xuống, kéo theo giá cả giảm là điều tất yếu. Ngoài ra, từ sau dịch COVID-19, do nguồn bưởi ở cả miền Tây và miền Đông đều rất dồi dào. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ lại không bằng trước do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế.
Trước tình trạng trên, để “cứu” lấy uy tín và chất lượng của bưởi da xanh, người trồng bưởi đang dần thay đổi thói quen canh tác, hướng đến sản xuất chất hữu cơ, sử dụng các vật tư nông nghiệp vi sinh, hữu cơ.
Sau nhiều năm trồng bưởi theo phương thức truyền thống, thời gian gần đây, gia đình ông Hồ Hoàng Kha (xã Sông Xoài, TX.Phũ Mỹ) đang chuyển 5ha trên tổng diện tích 10ha bưởi để canh tác theo hướng hữu cơ. Theo ông Kha, việc chuyển đổi dần từng diện tích nhằm để cây dần thích nghi, đồng thời chủ động trong vụ canh tác, sản lượng cung ứng ra thị trường.
Đối với phần diện tích đang chuyển đổi, ông Kha nhận thấy trồng hữu cơ không chỉ có lợi về sức khỏe, an toàn cho người sản xuất, mà còn nâng cao chất lượng của sản phẩm. Thay vì sử dụng các sản phẩm hóa học, chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật như trước đây, ông Kha chuyển sang sử dụng phân chuồng được ủ hoai và các loại thuốc vi sinh. Để tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng có ích sinh sống, điều hòa cân bằng sinh thái trong vườn, các loại cỏ mọc được giữ lại, khi cần thiết chỉ sử dụng biện pháp thủ công để cắt tỉa, tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ.
Với phương pháp canh tác mới, năng suất thời gian đầu có giảm, nhưng đến nay, vườn bưởi đã dần ổn định, cây khỏe mạnh, xanh tốt, ít sâu bệnh. “Ngoài việc chuyển đổi thói quen canh tác sang hướng hữu cơ, hiện các ngành chức năng cũng đang thực hiện cấp mã số vùng trồng cho vườn bưởi của gia đình tôi. Đây là cơ hội và cũng là thách thức của trái bưởi da xanh khi hướng tới thị trường xuất khẩu. Do đó, việc nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư xây dựng thương hiệu bưởi da xanh là điều cần thiết”, ông Kha nhấn mạnh.
Xác định trồng bưởi theo hướng hữu cơ là điều kiện tất yếu để nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời bảo vệ sức khỏe người trồng cũng như người tiêu dùng, nên ngay từ đầu khi bắt tay vào trồng bưởi, trang trại bưởi hữu cơ Kim Long, Hoàng Long 1, Hoàng Long 2 của ông Trương Văn Út (phường Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ) đã được trồng theo hướng hữu cơ.
Hiện toàn bộ diện tích trồng bưởi của gia đình ông đều đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, 10ha/50ha đã có chứng nhận bưởi hữu cơ. Hiện vườn bưởi hữu cơ đang bước sang tuổi thứ 4 và trong thời gian phát triển, dưỡng cây. Dự kiến năm sau khi bắt đầu cho thu hoạch, trang trại của gia đình ông sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 tấn/năm.
Ông Dương Văn Vững, quản lý trang trại cho biết, việc canh tác theo phương pháp hoàn toàn bằng hữu cơ sinh học để một lần nữa khẳng định thêm về chất lượng của quả, tính bền vững trong phát triển và nhân rộng để hình thành vùng đất chuyên canh tại tỉnh.
Bà Rịa-Vũng Tàu đang thiết lập và quản lý mã số vùng trồng xuất khẩu cho sản phẩm bưởi da xanh ra toàn tỉnh nhằm mở rộng vùng nguyên liệu an toàn, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và đáp ứng yêu cầu của thị trường. Song song đó, đẩy mạnh triển khai xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm bưởi da xanh Bà Rịa-Vũng Tàu.
|
Rộng đường xuất khẩu
Mới đây, 44 tấn bưởi đầu tiên được tuyển chọn nghiêm ngặt từ vùng nguyên liệu 160ha của tỉnh Bến Tre đã được xuất sang thị trường Mỹ. Theo Bộ NN-PTNT, hiện cả nước có 36 vùng trồng bưởi của 10 tỉnh được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Mỹ với diện tích hơn 750ha. Con số này còn khá khiêm tốn so với tổng diện tích bưởi của cả nước.
Điều này cho thấy, tiềm năng xuất khẩu của loại trái cây này rất lớn, bởi mỗi năm nhu cầu tiêu thụ trái cây tươi tại Mỹ lên tới 12 triệu tấn. Sản xuất trái cây tươi nội địa của nước này hiện chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, 30% còn lại, tương đương khoảng 3,6 triệu tấn, phải nhập khẩu, trong đó có trái bưởi. Hiện Cục Bảo vệ thực vật đã công bố yêu cầu kiểm dịch thực vật trái bưởi tươi của Việt Nam nhập khẩu sang Mỹ, trong đó có trái bưởi tươi của Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 4 vùng trồng bưởi da xanh đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu trái bưởi tươi đi thị trường Mỹ, tập trung ở TX.Phú Mỹ, với tổng diện tích 68ha.
Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV (Sở NN-PTNT) cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.163ha bưởi, sản lượng ước đạt 4.500 tấn/năm. Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo tổ chức sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ,… Do vậy, chất lượng và mẫu mã quả bưởi của tỉnh cải thiện rõ rệt, có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của những thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, EU…
Thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá lại các vùng sản xuất bưởi đủ điều kiện xuất khẩu để thiết lập hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng; cập nhật thông tin đầy đủ lên cơ sở dữ liệu quốc gia về mã vùng và cơ sở đóng gói. Đồng thời, tập huấn cho nhà nông và bố trí đầy đủ nguồn lực phục vụ thiết lập, quản lý mã vùng, cơ sở đóng gói theo quy định.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC