Bước đệm đưa sản phẩm Tsubame Sanjo ra thị trường

Thứ Tư, 21/12/2022, 19:31 [GMT+7]
In bài này
.

Sau thời gian bị gián đoạn bởi dịch COVID-19, đến nay dự án “Hỗ trợ kinh doanh doanh nghiệp nhỏ và vừa SDGs trong khuôn khổ chương trình phổ cập, kiểm chứng, thương mại hóa dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” (sau đây gọi tắt là dự án) đã chọn được 5 DN Bà Rịa-Vũng Tàu tham gia sản xuất thử.

Chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn các DN được chọn tham gia dự án kỹ thuật vận hành máy móc an toàn và công đoạn thực hiện một sản phẩm.
Chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn các DN được chọn tham gia dự án kỹ thuật vận hành máy móc an toàn và công đoạn thực hiện một sản phẩm.

Đây là bước đệm quan trọng để sớm đưa sản phẩm thương hiệu chung Tsubame Sanjo-Bà Rịa-Vũng Tàu chất lượng cao ra thị trường.

Ông Trần Đình Bách, Giám đốc Công ty TNHH Alita Tech (TX. Phú Mỹ)-1 trong 5 DN được chọn tham gia dự án-cho biết, được các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, chế tạo ra các sản phẩm rất tinh xảo, độ chính xác cao, nhất là các sản phẩm làm đẹp như: dao, kìm, kéo cắt móng tay… “Tôi tin rằng, khi được các chuyên gia Nhật Bản chuyển giao một số kỹ thuật sản xuất sản phẩm mang thương hiệu chung, đào tạo thêm về an toàn trong sản xuất, bản quyền, các DN Việt Nam được chọn sẽ sớm cho ra sản phẩm chất lượng cao với chi phí thấp và đáp ứng được thị trường trong tương lai”, ông Bách nói.

Theo Sở Công thương, dự án có tổng vốn viện trợ 1,7 triệu USD với sự thực hiện của các DN Nhật Bản, vốn đối ứng ngân sách tỉnh là 201.755 USD. 5 DN Bà Rịa - Vũng Tàu được chọn tham gia dự án, gồm: Công ty TNHH Alita Tech, Công ty TNHH Nam Phương Xanh, Công ty TNHH Kiểm định Sông Hồng, Công ty CP Xây lắp và Dịch vụ Kỹ thuật Phú Mỹ, Công ty TNHH DV&KT DK Tấn Tài Lộc.

Ông Tatsuya Takahashi, Chủ tịch Công ty Takagi, Trưởng Dự án cho biết, với những kinh nghiệm của các chuyên gia đến từ Nhật Bản, sẽ giúp cho các DN nắm được các kiến thức và hoàn thiện hơn kỹ năng trước khi tiến đến những bước tiếp theo trong dự án là sản xuất ra sản phẩm mang thương hiệu chung.

Theo Sở Công thương, dự án này do Cơ quan Hợp tác Quốc tế JICA tài trợ đã được Sở Công thương phối hợp với Phòng Công nghiệp Thương mại TP. Sanjo (Nhật Bản) triển khai từ tháng 11/2019. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, so với mục tiêu ban đầu, dự án bị chậm tiến độ trong 2 năm. Trong giai đoạn tham gia sản xuất thử nghiệm này, 5 DN được các chuyên gia Nhật Bản giới thiệu lý thuyết về máy móc, thiết bị; ý tưởng về mẫu thiết kế logo cho sản phẩm thương hiệu chung; cách lên kế hoạch sản phẩm tại DN; quy định về quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh... Đồng thời hướng dẫn các DN sản xuất thử nghiệm các sản phẩm thương hiệu chung mà hai địa phương hợp tác sản xuất, bao gồm: công cụ tiện lợi, dao, nhíp, kéo nhỏ, cưa...

Thông tin từ bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, 5 DN được chọn tham gia dự án đã được các chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn, hỗ trợ các kỹ thuật thực hiện đúng các nội dung theo cam kết cũng như kỹ thuật theo các yêu cầu của DN Nhật Bản để tạo ra sản phẩm mang thương hiệu chung. Năm 2023, các phần việc sẽ tiếp tục được triển khai như tham gia các khóa học tại Nhật Bản, hướng dẫn sản xuất sản phẩm thương hiệu chung, các biện pháp giảm thải môi trường tại nhà xưởng và cuối cùng là phát triển kênh bán hàng... Dự kiến năm 2024, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
;
.