Tạo động lực phát triển từ chuyển dịch cơ cấu cây trồng
Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh địa phương, qua đó tạo động lực cho nông nghiệp bứt phá đi lên.
Người dân xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc) chuyển đổi sang trồng nhãn cho thu nhập ổn định. |
Ưu tiên phát triển cây trồng chủ lực
Huyện Xuyên Mộc hiện có 32.431ha diện tích nông nghiệp. Trong những năm qua, huyện chú trọng đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới; đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật, canh tác cho nông dân nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Thành (ấp Xóm Rẫy, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) hiện đang canh tác 2ha diện tích lúa. Trước đây, việc sản xuất lúa của gia đình ông năng suất thấp, hiệu quả mang lại không cao. Những năm gần đây, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của các ngành chức năng, ông đã đầu tư thâm canh tăng vụ, đồng thời sử dụng các giống lúa có chất lượng cao như: OM 4900, Dẻo bầu, OM 5451... Ngoài ra, ông cũng áp dụng cơ giới hóa và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các phương thức canh tác tiên tiến như: “3 giảm 3 tăng”, “2 phải 5 giảm...”, năng suất và sản lượng lúa của gia đình ông đều tăng. Hiện nay, trung bình mỗi ha lúa đều đạt 6-7 tấn, thu nhập của gia đình ông cũng tăng 15-20% so với trước đây.
Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Xuyên Mộc đã tích cực hỗ trợ, vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu canh tác, lựa chọn cây, con giống phù hợp với từng vùng để tăng năng suất, sản lượng theo hướng bền vững gắn với những tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Địa phương cũng từng bước hình thành các vùng chuyên canh như: hồ tiêu, thanh long, nhãn xuồng cơm vàng. Đồng thời, kết hợp trồng cây ngắn ngày gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2020, diện tích gieo trồng cây ngắn ngày đạt 9.219ha, giảm 1.577ha so với 2010. Tốc độ giảm bình quân là 5,13%, phù hợp với định hướng chuyển đổi cây trồng từ cây hàng năm sang cây lâu năm.
Bên cạnh đó, nông dân cũng mạnh dạn đầu tư thâm canh, tăng cường cải tạo các vườn điều già cỗi, thay thế bằng điều mới để tăng năng suất, sản lượng; tập trung thâm canh cây ca cao để phục vụ xuất khẩu. Đối với các loại cây ăn trái, Xuyên Mộc chú trọng phát triển các loại cây ăn trái là thế mạnh của địa phương, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao. Nhờ đó, năm 2020, sản lượng cây ăn trái đạt 40.498 tấn, tăng 13.089 tấn so với năm 2010, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đồng thời phù hợp với đề án cơ cấu cây trồng của địa phương.
Tại huyện Châu Đức, thực hiện chuyển đổi cây trồng, địa phương cũng xây dựng kế hoạch hình thành các vùng chuyên canh, cánh đồng mẫu có quy mô và diện tích phù hợp.
Năm 2020, ông Hồ Quang Kỷ (ấp Gia Hòa Yên, xã Bình Giã, huyện Châu Đức) mạnh dạn phá bỏ 4.000m2 đất trồng tiêu già cỗi để trồng cây nha đam. Ông Kỷ được Nhà nước hỗ trợ 50% giống (khoảng 40 triệu đồng), phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác của loại cây trồng mới. Sau gần 10 tháng, vườn nha đam của ông Kỷ đã cho thu hoạch sản lượng khoảng 12 tấn/tháng. Với giá bán 1.300 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Kỷ thu về gần 120 triệu đồng/năm, cao gấp 3 lần so với trồng tiêu. Sản phẩm nha đam thu hoạch đến đâu được các DN thu mua đến đó.
Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức cho biết, những năm gần đây, địa phương đã vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích các loại như: cà phê, cao su, hồ tiêu căn cỗi, kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Hiện nay đã có 1.515ha hồ tiêu được chuyển đổi sang trồng cây ăn trái và hoa màu khác. Ngoài ra, địa phương cũng tập trung phát triển cây ca theo hướng liên kết để đẩy mạnh xuất khẩu. “Chúng tôi hướng dẫn nông dân trồng mới xen trong các vườn lâu năm, tương ứng với từng thời kỳ để phù hợp với điều kiện sinh thái và tăng thêm nguồn thu trên mỗi đơn vị diện tích cây trồng”, ông Khởi thông tin.
Mô hình trồng bơ của ông Nguyễn Hữu Thắng (bìa trái, xã Xà Bang, huyện Châu Đức). |
Kết nối, mời gọi các DN tham gia liên kết sản xuất
Theo ngành nông nghiệp, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1677/QĐ-UBND về kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành Quyết định chuyển đổi cơ cấu trên địa bàn quản lý.
Riêng trong năm 2022, toàn tỉnh đã có hơn 1.096ha diện tích chuyển đổi cây trồng. Trong đó tại huyện Châu Đức có diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng cao nhất là 768ha; huyện Đất Đỏ 253,2ha, còn lại là TX. Phú Mỹ, huyện Long Điền, huyện Xuyên Mộc. Việc chuyển đổi từ các diện tích sản xuất trồng trọt đạt hiệu quả sản xuất thấp sang trồng một số cây khác có khả năng sinh trưởng phát triển tốt hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và phù hợp nhu cầu thị trường.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Để thực hiện tốt mục tiêu này, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, có khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. Lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả nhằm giúp các hộ dân học hỏi áp dụng. Ngành cũng sẽ kết nối và mời gọi các DN tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân sản xuất.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC